Thời Sự

Nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến bị tuyên 5 năm tù

15/08/2024

    BBC News

Ông Nguyễn Chí Tuyến, một nhà hoạt động và YouTuber có tiếng ở Việt Nam, vừa bị tuyên 5 năm tù giam trong phiên sơ thẩm diễn ra nửa ngày hôm 15/8 tại Hà Nội.

Ông Nguyễn Chí Tuyến bị truy tố "Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" theo Điều 117 Bộ luật Hình sự.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) trước đó đã phát đi thông cáo kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do cho ông Tuyến.

“Chính quyền Việt Nam đã nhắm vào Nguyễn Chí Tuyến vì ông bày tỏ quan điểm mà họ không thích,” bà Patricia Gossman, Phó Giám đốc châu Á của HRW, phát biểu trong thông cáo.

“Chính quyền nên ngừng bỏ tù những người chỉ trích ôn hòa, bãi bỏ bộ luật hình sự hà khắc và chấm dứt tình trạng vi phạm có hệ thống các quyền cơ bản.”

Trong thông cáo, HRW cũng nhấn mạnh thời điểm phiên tòa xét xử ông Nguyễn Chí Tuyến diễn ra ngay sau khi ông Tô Lâm nhậm chức tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.

"Ông Tô Lâm từng là người đứng đầu Bộ Công an khét tiếng của Việt Nam từ tháng 4/2016 đến tháng 5/2024, trong thời gian đó, công an Việt Nam đã bắt giữ ít nhất 269 người chỉ vì họ thực hiện các quyền dân sự và chính trị cơ bản của mình một cách hòa bình.

"Chính phủ Việt Nam sẽ vẫn sa lầy trong sự áp bức chừng nào họ còn tiếp tục giam giữ những người bất đồng chính kiến ​​như Nguyễn Chí Tuyến, những người dám nói lên suy nghĩ của mình," bà Gossman cho hay trong thông cáo.

"Các nhà tài trợ và đối tác thương mại quốc tế của Việt Nam không nên có bất kỳ ảo tưởng nào khi quan hệ với chính phủ vi phạm nhân quyền này," thông cáo của HRW kêu gọi.

Thời điểm ông Tuyến bị bắt, Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ), cũng kêu gọi chính quyền Việt Nam "trả tự do ngay lập tức" cho ông và "chấm dứt quấy rối tự do báo chí".

Truyền thông Việt Nam không đưa tin về phiên tòa xử ông Tuyến dù trước đó đưa tin về việc ông bị bắt.

Ông Nguyễn Chí Tuyến bị bắt như thế nào?

Ông Nguyễn Chí Tuyến trong một hoạt động biểu tình phản đối Trung Quốc ở Hà Nội năm 2014

Ông Nguyễn Chí Tuyến trong một hoạt động biểu tình phản đối Trung Quốc ở Hà Nội năm 2014

Nhà hoạt động, blogger Nguyễn Chí Tuyến hay còn được biết đến với tên gọi Anh Chí đã bị công an Việt Nam bắt vào gần trưa ngày 29/2.

Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, vợ blogger Nguyễn Chí Tuyến, thuật lại với BBC Tiếng Việt qua điện thoại vào trưa 29/2 rằng sự việc mới xảy ra trong buổi sáng cùng ngày.

Theo đó, vào khoảng 10 giờ sáng, công an ập vào nhà ông Tuyến ở quận Long Biên, Hà Nội.

“Tôi thấy đông lắm, chắc phải hơn chục người. Tôi thấy một người mặc trang phục an ninh, một người là cảnh sát khu vực. Còn lại đều mặc thường phục,” bà Tuyết nói.

Trước đó một ngày, ông Tuyến nhận được lệnh triệu tập của công an nhưng do đang bị sốt nên ông không đi và ông đã liên hệ với số điện thoại trong giấy triệu tập để thông báo việc này.

“Sáng nay, khi họ tới nhà thì chỉ có hai, ba người. Họ nói với tôi là chỉ muốn nói chuyện với chồng tôi chút xíu thôi. Khi tôi đồng ý mở cửa cho các anh ấy vào nhà thì các lực lượng khác ập vào trong nhà tôi.”

Tại nhà ông Tuyến, công an đọc quyết định khởi tố vụ án, tiến hành khám xét nhà và thu giữ một số vật dụng, bao gồm một điện thoại Nokia mà ông Tuyến đang sử dụng, một máy tính xách tay và một số trang bản thảo viết tay của ông.

Bà Tuyết nói họ không để lại bất cứ giấy tờ văn bản gì dù gia đình yêu cầu. Bà nói bà chỉ nhớ mang máng nội dung lệnh bắt liên quan đến tội “tuyên truyền, phát tán các tài liệu chống nhà nước”.

Bà Tuyết cũng nói rằng dù đang sốt, mệt nhưng ông Tuyến có tâm trạng bình tĩnh vì ông "không làm gì sai".

“Người dân chúng tôi có quyền và Đảng và Nhà nước cũng khuyến khích người dân phản biện và nêu ra các ý kiến của mình về chính sách, đường lối của nhà nước.”

Bà Tuyết cho BBC hay bà cảm thấy hơi bối rối do sự việc diễn ra bất ngờ, sẽ phải mất một thời gian để quen với khoảng trống mà ông Tuyến để lại, nhưng bà luôn ủng hộ các công việc của chồng và tin ông Tuyến "không làm gì sai".

Trả lời câu hỏi của BBC về lý do vì sao công an bắt ông Tuyến vào thời điểm này, bà Tuyết nói bà không rõ lý do.

Việc bắt giữ này xảy ra không lâu sau khi trên mạng xã hội xuất hiện lại các video quay cảnh ông Tuyến biểu tình cùng các nhà hoạt động cách đây vài năm, nhân kỷ niệm cuộc chiến Việt-Trung 1979.

Theo các văn bản mà BBC Tiếng Việt xem được, từ tháng 1/2024, ông Tuyến đã nhận được thông báo về kết quả giải quyết nguồn tin tội phạm và quyết định tạm hoãn xuất cảnh để phục vụ điều tra từ Cơ quan An ninh điều tra, Công an TP Hà Nội.

Bà Tuyết, vợ ông Chí Tuyến, xác nhận với BBC việc ông Tuyến thường xuyên nhận được văn bản gửi qua đường bưu điện thông báo việc ông bị cấm xuất cảnh.

Ông Tuyến bị cáo buộc các tội danh “Làm, tàng trữ hoặc phát tán thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 117 Bộ luật Hình sự và "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo Điều 331 Bộ luật Hình sự.

Ông Nguyễn Chí Tuyến là ai?

Ông Nguyễn Chí Tuyến trong một hoạt động phản đối Formosa gây ra vụ cá chết hàng loạt ở vùng biển Vũng Áng, Hà Tĩnh năm 2016

Ông Nguyễn Chí Tuyến trong một hoạt động phản đối Formosa gây ra vụ cá chết hàng loạt ở vùng biển Vũng Áng, Hà Tĩnh năm 2016

Ông Nguyễn Chí Tuyến, có tên thân mật là Anh Chí, được biết đến là một nhà hoạt động dân chủ và môi trường qua các cuộc biểu tình chống Trung Quốc, hay tuần hành kêu gọi bảo vệ cây xanh ở Hà Nội.

Ngoài ra, ông còn tham gia cùng người dân trong các vụ tranh chấp đất đai với chính quyền như các vụ Văn Giang, Dương Nội, Đồng Tâm.

Ông là thành viên Câu lạc bộ No-U phản đối "đường lưỡi bò" của Trung Quốc trên Biển Đông.

Ông Tuyến cũng sở hữu một kênh YouTube có gần 200.000 lượt đăng ký, thường đăng tải các nội dung về vấn đề dân chủ, nhân quyền.

Năm 2015, ông từng bị “một đám côn đồ” hành hung khi đang đưa con đi học, giới hoạt động trong nước cáo buộc những người tấn công ông là “công an chìm”.

Các hình ảnh đăng tải trên mạng xã hội khi đó cho thấy ông Tuyến bị nhiều thương tích trên mặt và trên đầu.

Ông Tuyến đã gặp các nhà ngoại giao Mỹ và Úc sau vụ việc. Một dân biểu Mỹ thậm chí đã viết thư yêu cầu chính quyền Việt Nam mở cuộc điều tra. Tuy nhiên, sự việc đã khép lại từ đó.

 

 

© 2001 by Tổng Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Việt Nam. All Rights Reserved.Chính Việt xin đón nhận mọi ý kiến xây dựng và bài vở, xin email về baochinhviet@gmail.com

Search