Thời Sự

Trung Quốc phát hiện có sự 'phối hợp chiến thuật' radar bí mật giữa Biển Đông, Guam và Alaska

18/08/2024

    BBC News

Quân đội Trung Quốc đã phát hiện những tín hiệu bí mật liên tục xuất hiện ở Biển Đông, Guam, quần đảo Marshall và quần đảo Aleutian ở bang Alaska của Mỹ

Các nhà khoa học Trung Quốc phát hiện các tín hiệu điện từ trường, một chỉ dấu về sự hiện diện mang tính "phối hợp chiến thuật" giữa các radar được triển khai trên khắp Thái Bình Dương, theo báo South China Morning Post (SCMP) ngày thứ Sáu 16/8.

Trí thông minh nhân tạo (AI) tác chiến điện tử của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) đã phát hiện những tín hiệu bí mật liên tục xuất hiện ở Biển Đông, Guam, quần đảo Marshall và quần đảo Aleutian ở bang Alaska của Mỹ và dường như giữa chúng có sự kết nối với nhau.

Đây cũng là lần đầu tiên quân đội Trung Quốc công khai cho thấy khả năng thu thập thông tin tình báo chiến tranh điện tử trên toàn cầu "dựa vào những mục tiêu cụ thể và dữ liệu do thám thực", SCMP trích dẫn thông tin từ các nhà nghiên cứu.

Tuy nhiên, SCMP không nêu thông tin chi tiết về những tín hiệu này đến từ quốc gia nào.

Các thông tin thu thập được sẽ giúp quân đội Trung Quốc lên kế hoạch tốt hơn cho các nhiệm vụ tác chiến điện tử như ngăn chặn, đánh lừa và gây nhiễu tín hiệu điện từ trường.

Nghiên cứu được SCMP trích dẫn là của các tác giả từ Đại học Công nghệ Quốc phòng Trung Quốc trực thuộc quân đội ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, với trưởng nhóm nghiên cứu là Giáo sư Chu Trường Lâm.

BBC News Tiếng Việt chưa thể tiếp cận được nghiên cứu đầy đủ của các tác giả này. 

Một máy bay ném bom H-6K của Trung Quốc và máy bay chiến đấu Sukhoi Su-30CM của Nga trong chuyến bay tuần tra chung gần bang Alaska của Mỹ vào ngày 24/7

Sự so kè quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ gần đây gây chú ý trong một vụ việc ở ngoài khơi Alaska .

Nga và Trung Quốc từng tiến hành một số cuộc tuần tra chung và Nga thường cho máy bay ném bom bay qua biển Bering.

Vào ngày 24/7, lần đầu tiên Nga và Trung Quốc đã tiến hành một cuộc bay tuần tra chung qua bắc Thái Bình Dương và biển Bering gần bờ biển Alaska (Mỹ).

Moscow và Bắc Kinh tuyên bố "không nhắm đến bên thứ ba nào" trong khi Bộ Tư lệnh Phòng thủ Không gian Bắc Mỹ (NORAD) tuyên bố những máy bay ném bom đó chỉ nằm trong không phận quốc tế và "không bị xem là mối đe dọa".

Tác chiến điện tử giữa các cứ điểm trong chiến lược chuỗi đảo của Mỹ?

Từ cách đây hơn một thập niên, các chuyên gia nhận định tương lai chiến tranh không phải là đạn hay bom, hay thống trị vùng trời, đất liền và vùng biển. Thay vào đó, bên chiến thắng là bên thống trị về tác chiến điện tử (Electromagnetic warfare).

Theo bài viết của BBC News vào năm 2014 về tác chiến điện tử, tác giả viết về hình thức tác chiến này có thể bao gồm bất kỳ hoặc tất cả các loại vũ khí có thể phóng điện từ trường, để làm phá sóng hoặc làm hư hỏng thiết bị điện tử.

Lúc bấy giờ, Đô đốc Jonathan Greenert, Chủ nhiệm tác chiến Hải quân Mỹ, đã đề cập đến khái niệm kết hợp tấn công mạng và tấn công bằng việc sử dụng phổ điện từ, mà ông gọi là "địa hạt tấn công mạng và điện tử".

 

Các địa điểm có sự "phối hợp chiến thuật" của hệ thống radar mà các tác giả Trung Quốc nghiên cứu đề cập gồm Guam, quần đảo Marshall và quần đảo Aleutian (bang Alaska).

Có thể thấy đây đều là những cứ điểm quan trọng trong chiến lược chuỗi đảo của Mỹ nhằm đối phó với Trung Quốc.

Có nhận định cho rằng quần đảo Marshall là cứ điểm radar do thám mạnh nhất của quân đội Mỹ.

Trong chính sách "chuỗi đảo thứ nhất", việc Trung Quốc vươn ra vùng biển lớn hơn bị kìm hãm bao gồm hàng ngàn hòn đảo lớn nhỏ kéo dài từ quần đảo Nhật Bản, Okinawa và Philippines, đến các đảo Borneo và Sumatra.

Những nhóm đảo này được coi là "tuyến phòng thủ đầu tiên" vì chúng nằm ở vị trí án ngữ, có thể kiểm soát chuyển động của Hải quân Trung Quốc, và Mỹ có đồng minh hoặc có sức ảnh hưởng đến những quốc gia nằm trong "chuỗi đảo đầu tiên" này.

Chuỗi đảo thứ hai đi từ đông nam Nhật Bản, mở rộng tới đảo Guam và đảo quốc Palau, cho đến Papua New Guinea.

Đảo Guam là một điểm chính trong chiến lược "chuỗi đảo thứ hai" của Mỹ nhằm kiềm chế Trung Quốc. Tại đây có căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở tây Thái Bình Dương.

"Chuỗi đảo thứ ba" bắt đầu từ quần đảo Aleutian ở Alaska, đi qua quần đảo Hawaii, thông qua đảo quốc Tonga hướng xuống New Zealand.

Chiến lược chuỗi đảo hiện đang bị thay đổi nhanh chóng do sự phát triển của khoa học công nghệ, nhưng vẫn là trọng tâm trong chính sách kiềm chế Trung Quốc của Mỹ.

Việc Hải quân Mỹ triển khai tên lửa không đối không tầm cực xa mới ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có thể xóa bỏ lợi thế về tầm bắn trên không của Trung Quốc, theo đánh giá của các chuyên gia.

Đây cũng là động thái tăng cường khả năng triển khai sức mạnh của Mỹ giữa lúc căng thẳng khu vực đang leo thang.

Về phần mình, Trung Quốc cũng đặt trọng tâm đối phó với chiến lược này, như xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông, tăng cường năng lực tác chiến điện tử..., củng cố thêm tham vọng trở thành lực lượng hải quân nước xanh.

Nếu so với Mỹ, Trung Quốc hiện đang thiếu một mạng lưới căn cứ và cơ sở hạ tầng hậu cần rộng khắp cần có để trở thành một lực lượng “hải quân nước xanh” hoạt động khắp thế giới.

“Hải quân nước xanh” được định nghĩa là hải quân có khả năng huy động lực lượng tàu đặc nhiệm trên đại dương và hỗ trợ những tàu này ở khoảng cách xa các căn cứ hiện có. Sở hữu “hải quân nước xanh” giúp tăng cường vị thế một quốc gia trên trường quốc tế.

 

 

© 2001 by Tổng Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Việt Nam. All Rights Reserved.Chính Việt xin đón nhận mọi ý kiến xây dựng và bài vở, xin email về baochinhviet@gmail.com

Search