02/09/2024
BBC News
Một hội chợ việc làm ở thành phố Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc)
Sau khi rời khỏi ngành giáo dục vào tháng 8/2023 do Trung Quốc cấm dạy thêm, He Ajun tìm thấy một công việc mới mà anh không ngờ tới: người có ảnh hưởng (influencer) liên quan tới chủ đề thất nghiệp, theo Reuters.
Vlogger 32 tuổi đến từ Quảng Châu này đưa ra lời khuyên về nghề nghiệp cho 8.400 người theo dõi, ghi lại hành trình của cô trong tình trạng thất nghiệp dài hạn. "Thất nghiệp ở tuổi 31, không đạt được bất kỳ thành tựu nào," cô đăng vào tháng 12/2023.
Cô hiện kiếm được khoảng 5.000 nhân dân tệ (khoảng 17,5 triệu đồng) mỗi tháng thông qua quảng cáo trên vlog, biên tập nội dung, tư vấn riêng và bán đồ thủ công tại các quầy hàng trên phố.
"Tôi nghĩ trong tương lai, việc làm nghề tự do (freelance) sẽ trở nên bình thường. Ngay cả khi bạn đã có công việc ổn định thi bạn vẫn cần phải có khả năng làm nghề tự do. Tôi tin rằng nó sẽ trở thành một kỹ năng dự phòng giống như lái xe vậy," He nói.
Trung Quốc được định hướng để cho ra đời một "lực lượng sản xuất mới" với các chính sách của chính phủ nhắm vào các lĩnh vực hẹp trong khoa học và công nghệ, như trí tuệ nhân tạo (AI) và robot.
Nhưng giới chỉ trích cho rằng điều này nghĩa là nhu cầu ở các lĩnh vực khác đang kém đi và có nguy cơ bỏ lại phía sau một thế hệ thanh niên có trình độ học vấn cao - những người đã bỏ lỡ sự bùng nổ kinh tế trước đó nhưng lại tốt nghiệp quá muộn để được đào tạo lại cho các ngành công nghiệp mới nổi.
11,79 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học năm nay phải đối mặt với tình trạng thiếu việc làm chưa từng có giữa làn sóng sa thải hàng loạt trong các lĩnh vực lao động văn phòng như tài chính. Trong khi đó, các ông lớn công nghệ như Tesla, IBM và ByteDance cũng đã cắt giảm việc làm trong những tháng gần đây.
Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên đô thị đối với khoảng 100 triệu người Trung Quốc trong độ tuổi 16-24 đã tăng lên 17,1% vào tháng 7/2024. Đây là con số mà các nhà phân tích cho rằng chưa kể đến hàng triệu người thất nghiệp ở vùng nông thôn.
Trung Quốc đã tạm ngừng công bố dữ liệu thất nghiệp của thanh niên sau khi đạt mức cao kỷ lục 21,3% vào tháng 6/2023. Sau đó, nước này điều chỉnh tiêu chí để loại trừ những người còn là sinh viên ra khỏi thống kê.
Hơn 200 triệu người hiện đang làm các công việc tự do (nền kinh tế gig) và ngay cả lĩnh vực từng phát triển nhanh chóng này cũng đang thừa nguồn cung. Hàng chục thành phố của Trung Quốc đã cảnh báo về tình trạng bão hòa của dịch vụ gọi xe trong năm nay.
Tình trạng sa thải thậm chí còn lan sang cả công việc nhà nước vốn từ lâu được nhiều người xem là ổn định, trọn đời.
Năm ngoái, Bắc Kinh đã công bố cắt giảm 5% biên chế và hàng nghìn người đã bị sa thải kể từ đó, theo các thông báo chính thức và tin từ báo chí. Tỉnh Hà Nam đã cắt giảm 5.600 việc làm vào đầu năm nay, trong khi tỉnh Sơn Đông đã cắt giảm gần 10.000 việc làm kể từ năm 2022.
Các nhà phân tích cho biết 3,9 triệu sinh viên tốt nghiệp trường cao đẳng nghề của Trung Quốc chủ yếu được trang bị cho các công việc sản xuất và dịch vụ cấp thấp. Và các cải cách được công bố vào năm 2022 sẽ mất nhiều năm để khắc phục tình trạng thiếu đầu tư vào các cơ sở giáo dục này - vốn bị xem là kém hơn các trường đại học.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Nhân lực của nước này cho biết vào tháng 3/2024 rằng Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với tình trạng thiếu thợ hàn, thợ mộc, nhân viên chăm sóc người già và "nhân tài kỹ thuật số có trình độ cao".
Yao Lu, một nhà xã hội học tại Đại học Columbia, ước tính khoảng 25% sinh viên tốt nghiệp đại học trong độ tuổi 23-35 hiện đang làm những công việc có chuyên môn thấp hơn trình độ học vấn của họ.
Nhiều người trong số gần 48 triệu sinh viên đại học của Trung Quốc có thể sẽ có mức lương khởi điểm thấp và đóng góp tương đối ít thuế trong suốt cuộc đời của họ, theo một nhà kinh tế học Trung Quốc yêu cầu giấu tên vì tính nhạy cảm của vấn đề.
"Mặc dù họ không phải là 'thế hệ mất mát' (lost generation), nhưng đây là một sự lãng phí nhân lực rất lớn," người này nói.
Làm công việc của ba người
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 5/2024 đã kêu gọi các quan chức xem chuyện tạo ra việc làm cho những người mới tốt nghiệp là ưu tiên hàng đầu. Nhưng đối với những người lao động trẻ tuổi thất nghiệp hoặc mới bị sa thải, tâm trạng của họ rất ảm đạm, theo lời chín người được Reuters phỏng vấn.
Anna Wang, 23 tuổi, đã nghỉ việc tại một ngân hàng nhà nước ở Thâm Quyến trong năm nay do áp lực cao và thường xuyên phải làm thêm giờ không lương. Mức lương của cô vào khoảng 6.000 nhân dân tệ (khoảng 21 triệu đồng) một tháng.
"Tôi đã làm công việc của ba người," cô nói.
Các đồng nghiệp cũ của cô phàn nàn về việc bị giảm lương và thuyên chuyển sang các vị trí có khối lượng công việc không thể quản lý nổi, buộc họ phải nghỉ việc. Wang hiện làm việc bán thời gian với nghề biên tập hồ sơ ứng tuyển và khách hàng bí ẩn.
Tại một cuộc họp báo vào tháng 7 dành cho các nhà ngoại giao nước ngoài về một cuộc họp kinh tế quan trọng - nơi thảo luận về các vấn đề, chính sách, kế hoạch kinh tế chính - các nhà hoạch định chính sách cho biết họ đã âm thầm kêu gọi các công ty ngừng sa thải, theo lời một người tham dự nói với Reuters.
Olivia Lin, 30 tuổi, đã thôi làm việc công chức vào tháng 7/2024 sau khi tình trạng cắt giảm tiền thưởng diễn ra tràn lan và những người sếp thì nói bóng gió rằng việc cắt giảm nhân sự vẫn sẽ tiếp tục. Bốn cơ quan cấp quận đã bị giải thể ở thành phố Thẩm Quyến trong năm 2024, theo một thông báo công khai.
"Ấn tượng chung là môi trường hiện tại không tốt và áp lực tài chính thì thực sự cao," Lin nói.
Lin hiện muốn có một công việc trong ngành công nghệ. Cô không nhận được lời mời phỏng vấn từ nhà tuyển dụng nào sau một tháng tìm việc.
"Điều này hoàn toàn khác so với năm 2021 khi ngày nào tôi cũng có cuộc hẹn phỏng vấn," cô cho biết.
Giảm kỳ thị
Bị loại khỏi thị trường việc làm và tuyệt vọng tìm kiếm lối thoát, những người trẻ Trung Quốc đang chia sẻ những mẹo để tồn tại trong tình trạng thất nghiệp dài hạn. Các hashtag "thất nghiệp", "nhật ký thất nghiệp" và "bị sa thải" đã nhận được tổng cộng 2,1 tỷ lượt xem trên nền tảng truyền thông xã hội Tiểu Hồng Thư (Xiaohongshu) mà He Ajun sử dụng.
Người dùng tả lại những sinh hoạt bình thường hàng ngày, đếm ngày kể từ khi bị sa thải, chia sẻ những cuộc trò chuyện qua tin nhắn không thoải mái với người quản lý hoặc đưa ra lời khuyên, đôi khi họ selfie hình ảnh mình đang khóc.
Việc ngày càng có nhiều người trẻ thất nghiệp "khiến xã hội ngày càng chấp nhận hơn và bớt kỳ thị hơn đối với người thất nghiệp", theo Yao Lu từ Đại học Columbia.
Điều này giúp những người trẻ tuổi vốn bị cô lập kết nối và "thậm chí có thể định nghĩa lại ý nghĩa của việc thất nghiệp trong bối cảnh kinh tế hiện nay".
Bà Lu cho rằng những người tốt nghiệp đang thất nghiệp hiểu rằng chỉ trích chính phủ về hoàn cảnh của họ sẽ vừa rủi ro vừa không hiệu quả. Thay vào đó, họ thường "nuốt nỗi ấm ức vào lòng và tự trách mình" hoặc "nằm yên" (một thuật ngữ chỉ thái độ từ bỏ nỗ lực để đạt được thành công truyền thống và chọn lối sống ít phấn đấu hơn.).
He Ajun cho rằng những sinh viên mới tốt nghiệp nên hạ thấp tham vọng của mình.
"Nếu chúng ta thực sự đã bước vào 'hồi kết không thể nào cứu vãn', thì tôi nghĩ người trẻ có thể chọn cách tích lũy kỹ năng hoặc làm điều gì đó sáng tạo, chẳng hạn như bán đồ qua mạng xã hội hoặc làm đồ thủ công," He nói.