15/09/2024
BBC News
Ba nhà phân tích cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể trả đũa nếu phương Tây cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa để tấn công Nga.
Theo đó, Nga có thể tấn công các cơ sở quân sự của Anh gần Nga hoặc trong trường hợp cực đoan, tiến hành một vụ thử hạt nhân nhằm thể hiện ý định của mình, theo Reuters.
Khi căng thẳng Đông-Tây về vấn đề Ukraine bước vào giai đoạn mới và đầy nguy hiểm, Thủ tướng Anh Keir Starmer và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hội đàm tại Washington vào thứ Sáu ngày 13/9 về việc có nên cho phép Kyiv sử dụng tên lửa ATACMS tầm xa của Mỹ hoặc tên lửa Storm Shadow của Anh để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ ở Nga hay không.
Tổng thống Putin, trong lời cảnh báo rõ ràng nhất của mình vào hôm thứ Năm 12/9, đã nói rằng phương Tây sẽ trực tiếp xung đột với Nga nếu thực hiện những động thái như vậy, điều mà ông cho rằng sẽ làm thay đổi bản chất của cuộc xung đột.
Ông thề sẽ có phản ứng "thích đáng" nhưng không nói rõ nó sẽ dẫn đến điều gì. Tuy nhiên, hồi tháng 6, ông Putin đã nói về phương án trang bị vũ khí của Nga cho đối thủ của phương Tây để tấn công các mục tiêu phương Tây ở nước ngoài và việc triển khai tên lửa thông thường trong khoảng cách tấn công Mỹ và các đồng minh châu Âu.
Ulrich Kuehn, chuyên gia về vũ khí tại Viện Nghiên cứu Hòa bình và Chính sách An ninh ở Hamburg, cho biết ông không loại trừ khả năng Putin sẽ gửi đi một loại thông điệp hạt nhân nào đó, như một vụ thử hạt nhân nhằm răn đe phương Tây.
Ông nói trong một cuộc phỏng vấn: “Đây sẽ là sự leo thang mạnh mẽ của cuộc xung đột. Bởi lẽ vấn đề ở đây là, ông Putin sẽ còn lá bài nào nữa nếu phương Tây vẫn cứ tiếp tục, ngoài việc sử dụng hạt nhân thực sự."
Nga đã không tiến hành vụ thử vũ khí hạt nhân nào kể từ năm 1990, một năm trước khi Liên Xô sụp đổ, và một vụ nổ hạt nhân sẽ báo hiệu sự khởi đầu của một kỷ nguyên nguy hiểm hơn, ông Kuehn nói. Chuyên gia này cũng cảnh báo rằng Putin có thể cảm thấy ông ta bị coi là yếu nhược trong khả năng lãnh đạo khi phản ứng trước việc NATO tăng cường hỗ trợ cho Ukraine
Ông nói: “Thử nghiệm hạt nhân sẽ là điều mới. Tôi sẽ không loại trừ điều đó và nó sẽ nhất quán với việc trong vài năm qua, Nga đã phá vỡ một số thỏa thuận an ninh quốc tế mà họ đã ký kết trong nhiều thập kỷ.”
Gerhard Mangott, một chuyên gia an ninh từ Đại học Innsbruck ở Áo, cũng cho rằng Nga có thể đáp trả bằng việc gửi đi thông điệp hạt nhân, song quan điểm của ông là kịch bản này khó có thể xảy ra.
"Nga có thể tiến hành một vụ thử hạt nhân. Họ đã thực hiện mọi khâu chuẩn bị cần thiết. Họ có thể cho nổ một vũ khí hạt nhân chiến thuật ở đâu đó ở phía đông đất nước chỉ để chứng minh rằng họ thực sự có ý định đó khi nói rằng rốt cuộc sẽ dùng đến vũ khí hạt nhân."
Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia nói với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm thứ Sáu 13/9 rằng NATO sẽ "là một bên trực tiếp tham gia các hành động thù địch chống lại một cường quốc hạt nhân," nếu tổ chức này cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa hơn nhằm vào Nga.
"Các vị đừng quên điều này và hãy nghĩ đến hậu quả của nó," ông Nebenzia nói.
Nga, cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới, cũng đang trong quá trình sửa đổi học thuyết hạt nhân của mình - về những trường hợp mà Moscow sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân. Putin đang chịu sức ép của chính sách đối ngoại diều hâu, buộc ông phải linh hoạt hơn nhằm mở đường cho việc thực hiện một cuộc tấn công hạt nhân hạn chế vào một quốc gia NATO.
Anh Quốc có thể bị đáp trả
Về trường hợp của Anh, Nga có thể tuyên bố rằng London đã chuyển từ một cuộc chiến tranh ủy nhiệm hỗn hợp với Nga sang cuộc xung đột vũ trang trực tiếp nếu nước này cho phép Kyiv bắn tên lửa Storm Shadow của mình vào Nga, cựu cố vấn Điện Kremlin Sergei Markov nói trên nền tảng truyền thông xã hội Telegram hôm thứ Sáu 13/9.
Nga có thể sẽ đóng cửa đại sứ quán Anh ở Moscow và đại sứ quán của họ ở London, tấn công các máy bay không người lái và máy bay chiến đấu của Anh ở gần Nga, chẳng hạn như trên Biển Đen. Nga còn có thể bắn tên lửa vào các máy bay chiến đấu F-16 mang tên lửa Storm Shadow tại các căn cứ của Anh ở Romania và Ba Lan, ông Markov dự đoán.
Putin trước đây đã cố gắng và thất bại trong việc vạch ra lằn ranh đỏ cho phương Tây, khiến Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky - người đang thúc giục phương Tây bớt thận trọng hơn khi đối đầu với Moscow - càng coi nhẹ cái mà Nga gọi là những lằn ranh đỏ.
Tuy nhiên, cảnh báo mới nhất của Putin về tên lửa tầm xa đang được trong và ngoài nước Nga coi là điều mà ông ta sẽ phải hành động nếu London hoặc Washington cho phép sử dụng tên lửa của họ để bắn vào nước Nga.
Chuyên gia Mangott của Đại học Innsbruck nói rằng việc lời cảnh báo của Putin được phát sóng nhiều lần trên truyền hình nhà nước Nga đã tạo ra kỳ vọng rằng ông ta sẽ làm như vậy.
Dmitry Peskov, người phát ngôn của ông Putin, nói trong một cuộc họp báo hôm thứ Sáu rằng thông điệp của ông Putin là “cực kỳ rõ ràng và sáng tỏ”.
Markov, cựu cố vấn của Điện Kremlin, cho biết "Nga đã quyết định phá vỡ" chiến lược "luộc con ếch từ từ bằng ngọn lửa nhỏ", đề cập đến việc phương Tây tăng cường hỗ trợ Ukraine mà không gây ra phản ứng gay gắt của Nga.
"Bước mà phương Tây hiện đang sắp sửa lên kế hoạch là một bước nhỏ, nhưng nó vượt qua ranh giới đỏ mà chúng tôi thực sự sẽ buộc phải đáp trả. Chúng tôi sẽ coi rằng quý vị đang tiến hành chiến tranh với chúng tôi," ông Markov nói.
Sergei Mironov, lãnh đạo một đảng chính trị thân Điện Kremlin, nêu trong một thông cáo báo chí hôm thứ Sáu: "Thời khắc định đoạt đã đến với phương Tây, liệu họ có muốn một cuộc chiến toàn diện với Nga hay không."
Leo thang với Ukraine
Ông Kuehn nói rằng ngoài việc sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc tấn công vào tài sản của Anh, những phản ứng dễ lường hơn có thể bao gồm việc Nga tăng cường tấn công vào cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraine.
Chuyên gia Mangott dự đoán Kyiv sẽ phải gánh chịu các đòn phản ứng quân sự của Nga nếu phương Tây bật đèn xanh như Ukraine yêu cầu. Tuy nhiên, ông cho rằng Nga sẽ không tấn công lãnh thổ NATO.
Theo ông Kuehn, một lựa chọn khác là Nga sẽ leo thang các hành động "hỗn hợp" như phá hoại ở châu Âu hoặc can thiệp vào chiến dịch bầu cử ở Mỹ.
Còn theo chuyên gia Mangott thì hiểm nguy đối với phương Tây là họ không biết lằn ranh đỏ của Putin thực sự ở đâu.
Ông nói: “Cho phép Ukraine sử dụng vũ khí của phương Tây, được trợ giúp bởi các hình ảnh vệ tinh của phương Tây (và) các cố vấn quân sự phương Tây, là điều gì đó rất gần với việc xâm phạm đến các lợi ích sống còn của Nga.”
"Vì vậy, tôi nghĩ (họ) đã sai khi nói 'Sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra đâu, cứ làm đi'."