18/09/2024
BBC News
Bom QUICKSINK được đặt trên máy bay tiêm kích F-15E Strike Eagle
Mỹ đang tích trữ một kho vũ khí chống hạm dồi dào và dễ chế tạo như một phần trong nỗ lực của họ nhằm đối phó với Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng như nhằm tăng cường lực lượng của mình tại đó.
Việc Nga xâm lược Ukraine đã khiến Mỹ thay đổi tư duy. Họ đã có một triết lý quân sự mới, đó là "số lượng lớn với giá cả phải chăng", theo lời một giám đốc điều hành giấu tên trong ngành công nghiệp tên lửa. Người này ngụ ý rằng Mỹ đang có sẵn lượng vũ khí giá rẻ dồi dào.
"Đó là một phản ứng bình thường đối với những gì Trung Quốc đang làm," theo Euan Graham, một nhà phân tích cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Chiến lược Úc. Ông Graham ám chỉ đến kho vũ khí tàu chiến và tên lửa đạn đạo thông thường của Trung Quốc, bao gồm cả những tên lửa dùng để tấn công tàu thuyền.
Lầu Năm góc (Bộ Quốc phòng Mỹ) và Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã không lập tức phản hồi các yêu cầu bình luận của Reuters.
Mỹ đã tăng cường thử nghiệm QUICKSINK - một loại bom có giá thành phải chăng, có thể sản xuất hàng loạt và được trang bị bộ dẫn đường GPS giá rẻ và một đầu dò có thể theo dõi các vật thể chuyển động.
Không quân Mỹ đã sử dụng máy bay ném bom tàng hình B-2 trong một cuộc thử nghiệm vào tháng 8/2024 ở Vịnh Mexico để tấn công một tàu mục tiêu bằng QUICKSINK.
Theo các chuyên gia, Trung Quốc vẫn sẽ có lợi thế lớn về số lượng tên lửa chống hạm và có thể đặt chúng trên lãnh thổ của mình.
Nhưng việc Mỹ tăng cường sản xuất QUICKSINK sẽ thu hẹp khoảng cách đó bằng cách khiến khoảng 370 tàu chiến của Trung Quốc gặp nhiều rủi ro hơn trong bất kỳ cuộc xung đột nào trong tương lai so với từ trước tới nay, tính từ khi Bắc Kinh chuyển sang hiện đại hóa quân đội vào những năm 1990.
QUICKSINK - vẫn đang trong quá trình phát triển - do Boeing sản xuất và đầu dò của quả bom này đến từ công ty BAE Systems.
QUICKSINK có thể được tích hợp vào hàng trăm ngàn bộ đuôi của bom tấn công trực diện phối hợp (JDAM) - hệ thống có thể được thả từ máy bay chiến đấu của Mỹ hoặc đồng minh và biến những quả "bom ngu" nặng 2.000 pound (khoảng 900 kg) thành vũ khí dẫn đường với chi phí thấp.
Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ muốn sở hữu hàng ngàn quả QUICKSINK và đã muốn như thế trong nhiều năm, theo một giám đốc điều hành giấu tên làm việc trong ngành công nghiệp vũ khí.
Người này nhận định rằng khả năng phòng thủ của tàu Trung Quốc sẽ bị "lượng lớn vũ khí giá phải chăng" áp đảo.
Trong những viễn cảnh giao tranh, quân đội Mỹ có thể sẽ sử dụng Tên lửa Chống hạm Tầm xa (LRASM) hoặc tên lửa SM-6 để gây hư hại cho tàu chiến Trung Quốc và radar trước, sau đó sẽ bắn phá tàu bằng vũ khí rẻ hơn như QUICKSINK.
Đa dạng vũ khí
Mỹ đã tích trữ nhiều loại vũ khí chống hạm ở châu Á. Vào tháng 4/2024, Lục quân Mỹ đã triển khai các dàn phóng tên lửa di động Typhon mới tới Philippines. Vũ khí này được phát triển với chi phí phải chăng từ các thành phần hiện có và có thể bắn tên lửa SM-6 và Tomahawk đến các mục tiêu trên biển.
Những vũ khí như vậy tương đối dễ sản xuất - nhờ các kho dự trữ lớn và những thiết kế đã tồn tại trên một thập kỷ - có thể giúp Mỹ và đồng minh nhanh chóng bắt kịp trong cuộc đua tên lửa ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà Trung Quốc đang dẫn đầu.
Mặc dù quân đội Mỹ đã từ chối tiết lộ số lượng tên lửa sẽ được triển khai ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhưng theo các tài liệu giao dịch quân sự của chính phủ, hơn 800 tên lửa SM-6 dự kiến sẽ được mua trong năm năm tới.
Các tài liệu này cũng cho thấy đã có hàng ngàn tên lửa Tomahawk và hàng trăm ngàn tên lửa JDAM trong kho vũ khí Mỹ.
"Mục đích của Trung Quốc là hạn chế sự di chuyển của Hải quân Mỹ ở Tây Thái Bình Dương và Chuỗi đảo thứ nhất," nhà phân tích Euan Graham nói, đề cập đến các quần đảo lớn gần nhất tính từ bờ biển Đông Á.
"Động thái của Mỹ là để nhằm gây khó khăn cho Hải quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLAN)."
Việc đặt các vũ khí chống hạm ở các địa điểm như Philippines sẽ khiến phần lớn Biển Đông nằm trong tầm bắn của các vũ khí này. Trung Quốc tuyên bố 90% Biển Đông là lãnh thổ chủ quyền của mình nhưng bị năm quốc gia Đông Nam Á và Đài Loan phản đối.
Ông Collin Koh, một học giả tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, bình luận:
"Theo một cách nào đó, điều này giống như việc cân bằng cuộc chơi."
Ông Koh lấy ví dụ về lực lượng Houthi liên minh với Iran trong việc sử dụng vũ khí công nghệ thấp chống hạm để cản trở giao thông dân sự ở Biển Đỏ, buộc Mỹ và các nước khác phải triển khai vũ khí đắt tiền để phòng thủ.
"Nếu nhìn vào trường hợp ở Biển Đỏ, rõ ràng bên phòng thủ phải trả nhiều tiền hơn bên tấn công. Kể cả khi Mỹ có kho vũ khí nhỏ hơn, nhưng với những hệ thống tên lửa tấn công như vậy, họ vẫn có thể tạo ra sự răn đe nhất định," ông Koh nói.