Tổ chức Văn Bút Quốc tế (PEN International) hôm 18/9 cho biết bà Phạm Đoan Trang sẽ là một trong những người được vinh danh tại hàng ghế trống tại đại hội lần thứ 90 của tổ chức này vào tuần tới.
Những chiếc ghế trống tại đại hội thường niên của Văn bút Quốc tế là một nét truyền thống nhằm vinh danh những tác giả không thể trực tiếp tham dự vì họ đang bị giam cầm chỉ vì những hành động bảo vệ quyền tự do ngôn luận.
“Bà Trang là một tác giả, nhà báo và nhà hoạt động dân chủ người Việt Nam hiện vẫn còn bị giam cầm sau khi bà bị y án 9 năm tù vào năm 2022”, Văn Bút Quốc tế viết trên Facebook hôm 18/9.
“Bất chấp sự lên án của quốc tế, bà Trang vẫn phải chịu đựng những điều kiện khắc nghiệt, bị từ chối tư vấn pháp lý và chăm sóc y tế phù hợp”, vẫn theo tổ chức nhân quyền có trụ sở ở Anh.
“Chúng tôi tiếp tục kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho bà và hối thúc Việt Nam chấm dứt đàn áp những tiếng nói bất đồng chính kiến”, Văn Bút Quốc tế nhấn mạnh hôm 18/9.
Trong một thông cáo, Văn Bút Quốc tế cho hay họ sẽ tổ chức Đại hội lần thứ 90 tại Oxford, Anh Quốc, từ ngày 24 đến 27/9.
VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ đưa ra bình luận về lời kêu gọi trên của Văn Bút Quốc tế, nhưng chưa được trả lời.
Trong một thông cáo vào tháng 10/2022, đánh dấu hai năm kể từ khi bà bị bắt vào tháng 10/2020, PEN International cho rằng bà Phạm Đoan Trang “đã bị kết án bất công vì các phát biểu ôn hòa của mình” và tái kêu gọi trả tự do “ngay lập tức và vô điều kiện cho bà, đồng thời lật ngược bản án của bà”.
Bà Phạm Đoan Trang, 45 tuổi, đang thụ án 9 năm tù tại trại giam An Phước ở tỉnh Bình Dương với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước”.
Tại New York vào tháng 5/2024, Văn Bút Hoa Kỳ cũng đã vinh danh bà Trang, gọi bà là “nhà văn, nhà hoạt động tiêu biểu trong cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ cho quyền tự do ngôn luận và tự do sáng tác ở Việt Nam”.
Luật sư Đặng Đình Mạnh hiện tị nạn chính trị ở Mỹ, một trong những người bào chữa cho bà Trang vào năm 2021, nêu nhận định với VOA trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng việc Văn Bút vinh danh bà Trang có ý nghĩa đặc biệt rằng vì nó mang một “thông điệp phản đối mạnh mẽ của thế giới văn minh gởi đến chính quyền trong nước, rằng sự đàn áp quyền tự do của người dân không hề được chào đón, thậm chí, còn bị lên án ở khắp mọi nơi”.
Chính quyền Việt Nam từ trước đến nay luôn bác bỏ các cáo buộc vi phạm nhân quyền, khăng khăng rằng các quyền căn bản của công dân, bao gồm quyền tự do báo chí, tự do biểu đạt, luôn được “tôn trọng” và “bảo đảm”.
Hồi năm 2022, tại kỳ đại hội lần thứ 88 tại Thụy Điển, tổ chức Văn bút Quốc tế cũng kêu gọi trả tự do cho bà Trang và họ cũng dành một chiếc ghế trống để vinh danh bà.
Trong kỳ đại hội Văn Bút năm nay, ngoài bà Trang, một số chiếc ghế trống khác sẽ dành cho các tác giả đang bị giam cầm bao gồm ông Innocent Bahati, một nhà thơ người Rwanda đã mất tích kể từ ngày 7/2/2021; bà María Cristina Garrido Rodríguez, nhà thơ và nhà hoạt động người Cuba, người bị kết án 7 năm tù vì biểu tình ôn hòa vào năm 2021; nhà văn Idris Said Aba Arre, một cựu chiến binh trong cuộc Chiến tranh giành độc lập của Eritrea, bị giam giữ mà không được xét xử kể từ tháng 9/2001.