8 tháng 10 2024
BBC News
Lực lượng hải quân Campuchia tuần tra tại căn cứ hải quân Ream
Hai khối màu xám, có thể nhìn thấy từ vệ tinh trong hầu hết cả năm nay tại căn cứ hải quân Ream của Campuchia, dường như xác nhận nỗi lo ngại ngày càng tăng ở Washington: Trung Quốc đang mở rộng dấu ấn quân sự, vượt ra ngoài ba nhóm đảo tranh chấp ở Biển Đông mà họ đã chiếm đóng và quân sự hóa.
Các hình khối này là tàu hộ tống Type A56 của hải quân Trung Quốc - loại tàu chiến 1.500 tấn - đã neo đậu bên cạnh một cầu tàu mới do Bắc Kinh xây dựng vốn đủ lớn để chứa các tàu lớn hơn nhiều. Trên bờ có các cơ sở khác, cũng do Trung Quốc xây, được cho là để hải quân nước này sử dụng.
Chính phủ Campuchia đã nhiều lần phủ nhận khả năng này, viện dẫn hiến pháp của họ cấm mọi sự hiện diện quân sự thường trực của nước ngoài và tuyên bố rằng căn cứ Ream mở cửa cho tất cả các lực lượng hải quân thân thiện sử dụng.
"Xin hãy hiểu rằng đây là căn cứ của Campuchia, không phải của Trung Quốc," Seun Sam, nhà phân tích chính sách tại Học viện Hoàng gia Campuchia, nói.
"Campuchia rất nhỏ, và năng lực quân sự của chúng tôi có hạn.
"Chúng tôi cần nhiều sự huấn luyện hơn từ những người bạn bên ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc."
Tuy nhiên, những bên khác đang theo dõi căn cứ này với sự nghi ngờ.
Dù có nhiều bàn tán về sự trỗi dậy nhanh chóng của sức mạnh hải quân Trung Quốc - hiện nay Bắc Kinh có nhiều tàu chiến hơn Washington - Trung Quốc hiện chỉ có một căn cứ quân sự ở nước ngoài, tại quốc gia Djibouti ở châu Phi, được xây dựng vào năm 2016.
Ngược lại, Mỹ có khoảng 750 căn cứ - trong đó một nơi cũng ở Djibouti và nhiều địa điểm khác ở các quốc gia gần Trung Quốc như Nhật Bản và Hàn Quốc.
Tuy nhiên, Mỹ tin rằng sự mất cân bằng đang thay đổi bởi tham vọng rõ ràng của Trung Quốc muốn trở thành một cường quốc quân sự toàn cầu. Tham vọng đó và quy mô đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở nước ngoài thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường, mà theo luật Trung Quốc phải được xây dựng theo tiêu chuẩn quân sự.
Một số người ở Washington dự đoán rằng Trung Quốc cuối cùng sẽ có một mạng lưới căn cứ toàn cầu, hoặc các cảng dân sự mà họ có thể sử dụng làm căn cứ. Và một trong những căn cứ đầu tiên trong số này là Ream.
Làm ấm quan hệ
Vài năm trước, căn cứ quân sự Ream - nằm ở cực phía nam của Campuchia - còn được nâng cấp với sự hỗ trợ của Mỹ; một phần của hàng chục triệu đô la viện trợ quân sự hằng năm mà Mỹ cung cấp cho Campuchia. Nhưng Mỹ đã cắt giảm viện trợ này sau năm 2017, khi đảng đối lập chính của Campuchia bị cấm tranh cử và các nhà lãnh đạo của đảng này phải lưu vong hoặc bị bỏ tù.
Vốn ngày càng phụ thuộc vào viện trợ và đầu tư của Trung Quốc, chính phủ Campuchia đột ngột chuyển đối tác. Họ đã hủy bỏ các cuộc tập trận quân sự chung thường niên với Mỹ và chuyển sang các cuộc tập trận gọi là Rồng Vàng mà họ hiện đang tổ chức với Trung Quốc.
Đến năm 2020, hai tòa nhà do Mỹ tài trợ ở Ream đã bị phá bỏ và một cuộc mở rộng quy mô lớn do Trung Quốc tài trợ đã bắt đầu tại đây. Đến cuối năm ngoái, cầu tàu mới đã được xây dựng, gần như giống hệt với cầu tàu dài 363 mét tại căn cứ ở Djibouti và đủ dài để chứa tàu sân bay lớn nhất của Trung Quốc.
Chẳng bao lâu sau, hai tàu hộ tống đã neo đậu tại Ream - và hoặc là hai tàu này, hoặc là những tàu thay thế giống hệt, đã neo đậu ở đó trong hầu hết năm nay.
Campuchia tuyên bố các tàu này là để huấn luyện và chuẩn bị cho cuộc tập trận Rồng Vàng năm nay. Campuchia cũng nói rằng Trung Quốc đang đóng hai tàu hộ tống A56 mới cho hải quân của họ và nhấn mạnh rằng sự hiện diện của Trung Quốc tại Ream không phải là lâu dài, do đó không được tính là một căn cứ.
Tuy nhiên, điều này không ngăn cản các quan chức Mỹ bày tỏ mối quan ngại của họ về sự mở rộng của địa điểm này, điều mà hình ảnh vệ tinh cho thấy đã được thực hiện, ngoài cầu tàu mới, còn có một xưởng sửa chữa tàu mới, kho bãi và những gì có vẻ như là văn phòng hành chính và khu nhà ở với bốn sân bóng rổ.
Năm 2019, tờ Wall Street Journal đưa tin về những gì họ cho là một thỏa thuận bị rò rỉ giữa Campuchia và Trung Quốc để thuê 77 hecta căn cứ này trong 30 năm. Thỏa thuận này được cho là bao gồm việc đồn trú quân nhân và vũ khí.
Chính phủ Campuchia đã lên tiếng bác bỏ, nói bài báo này không chính xác - nhưng đáng chú ý là cho đến nay chỉ có tàu chiến Trung Quốc được phép neo đậu tại cầu tàu mới. Hai tàu khu trục Nhật Bản đến vào tháng 2/2024 được yêu cầu cập cảng tại thành phố Sihanoukville gần đó.
Tuy nhiên, ngay cả khi sự hiện diện của Trung Quốc bắt đầu trở nên thường trực và độc quyền hơn, một số nhà phân tích vẫn nghi ngờ rằng điều đó sẽ vi phạm hiến pháp Campuchia.
Về mặt kỹ thuật, đúng là Ream không phải là căn cứ thường trực. Và mặc dù được Trung Quốc tài trợ để mở rộng, nhưng bản thân căn cứ này không được cho Trung Quốc thuê, Kirsten Gunness, nhà nghiên cứu chính sách cấp cao tại trung tâm Rand Corporation có trụ sở tại California, nói.
“Chúng ta đang chứng kiến mô hình tàu Trung Quốc liên tục neo đậu [tại Ream]," bà nói. "Một cách để lách luật cấm theo hiến pháp là không gọi đó là căn cứ nước ngoài, mà cho phép các lực lượng nước ngoài tiếp cận liên tục theo cơ chế luân phiên."
Mỹ và Philippines cũng hoạt động theo các thỏa thuận tương tự, bà Gunness bổ sung.
Nỗi lo của các nước xung quanh
Hầu hết các nhà phân tích tin rằng sự hiện diện lâu dài của Trung Quốc tại Ream sẽ mang lại rất ít lợi thế thực sự cho Trung Quốc. Họ chỉ ra ba căn cứ mà nước này đã xây dựng trên Đá Vành Khăn, Đá Chữ Thập và Đá Su Bi ở Biển Đông, và lực lượng hải quân hùng mạnh mà Bắc Kinh duy trì ở bờ biển phía nam của nước này.
Nhưng một căn cứ của Trung Quốc tại Ream, ở cửa Vịnh Thái Lan, thực sự khiến các nước láng giềng của Campuchia là Thái Lan và Việt Nam lo ngại. Cùng với các căn cứ khác ở xa hơn về phía bắc, căn cứ này có thể được coi là nỗ lực của Trung Quốc nhằm bao vây bờ biển dài của Việt Nam.
Giống như Philippines, Việt Nam cũng có tranh chấp về chủ quyền với Trung Quốc đối với hầu hết các đảo ở Biển Đông và lực lượng của Việt Nam đã từng đụng độ với Trung Quốc trong quá khứ.
Các quan chức an ninh quốc gia Thái Lan cũng bày tỏ sự lo ngại một cách kín đáo khi nghĩ đến một căn cứ của Trung Quốc ngay phía nam cảng chính của hải quân Thái Lan tại Sattahip, che lấp lối ra của họ từ Vịnh Thái Lan. Dù sao thì Thái Lan và Campuchia vẫn còn những tranh chấp lãnh thổ chưa được giải quyết.
Tuy nhiên, cả Việt Nam và Thái Lan không có khả năng công khai nêu lên những phàn nàn này. Thái Lan muốn tránh gây ra những cơn sóng trong mối quan hệ kinh tế quan trọng với Trung Quốc, trong khi Việt Nam muốn tránh kích thích tâm lý chống Việt Nam ở Campuchia. Sự phẫn nộ của công chúng đối với Trung Quốc ở Việt Nam, nơi những cảm xúc như vậy luôn hiện hữu, cũng là điều mà chính phủ Việt Nam muốn tránh.
Trong khi đó, các chiến lược gia của Mỹ và Ấn Độ lo ngại hơn về khả năng Trung Quốc có một căn cứ ở Ấn Độ Dương trong tương lai - giống như cảng Hambantota của Sri Lanka, nơi một công ty nhà nước Trung Quốc đã ký hợp đồng thuê 99 năm vào năm 2017, hoặc cảng Gwadar ở Pakistan, địa điểm cũng đã được tái phát triển bằng nguồn tài trợ của Trung Quốc.
Nhưng những triển vọng này vẫn còn rất xa vời. Rất ít nhà phân tích tin rằng Trung Quốc sẽ có thể cạnh tranh với phạm vi quân sự toàn cầu của Mỹ trong nhiều năm nữa.
"Căn cứ Ream không đóng góp nhiều vào việc thể hiện sức mạnh - không giúp hải quân Trung Quốc tiến gần hơn đến những nơi họ muốn đến," Greg Poling, giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á của CSIS, đánh giá.
Những gì căn cứ này có thể làm là tạo ra sự khác biệt lớn trong việc thu thập thông tin tình báo, theo dõi vệ tinh và phát hiện hoặc giám sát các mục tiêu tầm xa.
"Đây không nhất thiết là những lựa chọn tốt nhất cho Trung Quốc," ông Poling nói thêm. "Nhưng chúng là những lựa chọn duy nhất có sẵn."