Thời Sự

Tại sao công nhân Trung Quốc bị tấn công khắp nơi trên thế giới?

 9/10/2024

     BBC News

 

Hai người Trung Quốc đã thiệt mạng và nhiều người khác bị thương trong một vụ được cho là tấn công tự sát bên ngoài sân bay Karachi ở Pakistan vào hôm 6/10.

Quân Giải phóng Balochistan (BLA) đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công này.

Đây là vụ mới nhất trong hàng loạt vụ tấn công nhằm vào công nhân Trung Quốc ở Pakistan, cũng như ở các quốc gia khác, trong vài năm qua.

Có hơn nửa triệu công nhân Trung Quốc đang làm việc trong các dự án phát triển của Trung Quốc trên khắp thế giới - nhiều người làm việc ở các khu vực có tình hình chính trị bất ổn - và nhiều người đã bị giết hoặc bắt cóc.

Tần suất công nhân Trung Quốc bị tấn công ở Pakistan

Vụ tấn công hôm 6/10 là vụ việc mới nhất trong số nhiều vụ tấn công nhằm vào công nhân Trung Quốc ở Pakistan

Vụ tấn công hôm 6/10 là vụ việc mới nhất trong số nhiều vụ tấn công nhằm vào công nhân Trung Quốc ở Pakistan

Hôm 6/10, hai người Trung Quốc trong đoàn người tham gia xây dựng các nhà máy điện ở Cảng Qasim gần Karachi đã thiệt mạng sau khi một quả bom phát nổ trong một chiếc xe đậu ở gần sân bay thành phố.

Có ít nhất 10 người khác đã bị thương trong vụ tấn công.

BLA nói rằng đây là một vụ tấn công tự sát “nhằm vào phái đoàn kỹ sư và nhà đầu tư cấp cao Trung Quốc” vừa đáp xuống sân bay.

Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif gọi vụ tấn công là một "hành động ghê tởm" và Bộ Ngoại giao Pakistan cho biết hành động này "sẽ bị trừng phạt".

BLA đang tiến hành một cuộc nổi dậy lâu dài để giành một vùng đất riêng cho người Baloch.

Trước khi chết, hai người Trung Quốc nói trên đã làm việc trong dự án phát triển Cảng Qasim ở tỉnh Sindh của Pakistan.

BLA cũng thừa nhận đã tấn công một căn cứ không quân của hải quân gần cảng Gwadar ở tỉnh Balochistan vào tháng Ba.

Cảng này cũng đang được các công ty Trung Quốc xây dựng.

Ngoài ra, BLA cũng thừa nhận đã giết chết ba học giả người Trung Quốc cùng tài xế người Pakistan của họ trong vụ tấn công tự sát hồi tháng 4/2022 tại Viện Khổng tử do Trung Quốc điều hành tại Đại học Karachi.

BLA nói rằng người Baloch chưa từng được hưởng phần xứng đáng từ số vốn đầu tư nước ngoài dồi dào đổ vào tỉnh, cũng như từ việc khai thác khoáng sản (chẳng hạn dầu mỏ) của những công ty nước ngoài tại khu vực của người Baloch.

Có bao nhiêu người Trung Quốc làm việc ở nước ngoài, và vì sao?

Công nhân trong các dự án ở nước ngoài của Trung Quốc đa số là người Trung Quốc

Công nhân trong các dự án ở nước ngoài của Trung Quốc đa số là người Trung Quốc

Có khoảng 568.000 người Trung Quốc làm việc tại các dự án của doanh nghiệp Trung Quốc khắp nơi trên thế giới, theo số liệu năm 2022 của Bộ Thương mại Trung Quốc (số liệu sẵn có mới nhất).

Họ chủ yếu làm việc trong các dự án thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).

Ước tính khoảng 1.000 tỷ USD đã được sử dụng cho các dự án thuộc BRI để xây dựng hạ tầng như đường bộ, đường sắt, cảng và nhà máy điện.

Việc này là nhằm thiết lập những tuyến đường xuất khẩu mới cho Trung Quốc và tăng cường quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và các quốc gia đã ký kết tham gia BRI.

Một trong những dự án BRI lớn nhất nằm ở Pakistan - Hành lang Kinh tế Trung Quốc–Pakistan.

Dự án này bao gồm nhiều tuyến đường bộ và đường sắt kéo dài từ biên giới phía tây của Trung Quốc, xuyên qua Pakistan và đến cảng Gwadar bên bờ biển Ả Rập.

Tương tự Pakistan, nhiều quốc gia khác ở châu Phi, bao gồm Kenya, Ethiopia và Senegal, đã vay Trung Quốc hàng tỷ đô la để xây dựng hạ tầng cơ sở giao thông vận tải và năng lượng tốt hơn.

Người dân ở các quốc gia tiếp nhận đầu tư thường phàn nàn về việc những dự án này chủ yếu chỉ tuyển người Trung Quốc chứ không có nhiều cơ hội cho người dân bản địa.

“Người dân địa phương ở các quốc gia châu Phi rất không hài lòng với việc đó,” Giáo sư Steve Tsang từ Viện nghiên cứu Trung Quốc SOAS ở London (Anh) nói.

Ông nói với BBC rằng “những doanh nghiệp này mang theo rất nhiều công nhân Trung Quốc, và có vẻ là họ chỉ thuê người châu Phi để làm những công việc nặng nhọc nhất”.

“Trung Quốc tuyên bố rằng những khoản đầu tư nước ngoài có lợi cho tất cả các bên,” Giáo sư Alex Vines từ Viện chính sách Chatham House (Anh) nói.

“Nhưng họ lại giao việc cho người Trung Quốc ở đó để giải quyết vấn đề thất nghiệp trong nước,” ông nói với BBC.

Công nhân Trung Quốc làm việc ở nước ngoài gặp nguy hiểm thế nào?

Nhân viên người Trung Quốc ở cảng Gwadar thường xuyên bị các tay súng từ các nhóm vũ trang ở Pakistan nhắm tới

Nhân viên người Trung Quốc ở cảng Gwadar thường xuyên bị các tay súng từ các nhóm vũ trang ở Pakistan nhắm tới

Những khoản đầu từ nước ngoài của Trung Quốc dẫn tới việc công nhân nước này làm việc tại những quốc gia nguy hiểm nhất thế giới, bao gồm cả những nơi đang có xung đột.

Ví dụ, Pakistan được xếp hạng là một trong những quốc gia bất ổn nhất, theo phân loại của Ngân hàng Thế giới.

Riaz Sohai, phóng viên BBC ở Karachi, nói rằng tới nay đã có 16 cuộc tấn công có liên quan tới các dự án phát triển của Trung Quốc ở đây, khiến 12 công dân Trung Quốc thiệt mạng và 16 người khác bị thương.

Trong số này có vụ giết 5 kĩ sư Trung Quốc làm việc tại đập thủy điện Dasu ở khu vực Bisham thuộc Khyber Pakhtunkhwa vào tháng 3/2024. Đây là một khu vực rất bất ổn ở miền tây bắc Pakistan.

Vào tháng 11/2018, các tay súng đã giết chết ít nhất bốn người trong vụ tấn công lãnh sự quán Trung Quốc ở Karachi.

Không ai nhận trách nhiệm cho vụ tấn công này.

Tại châu Phi, đã có một số vụ tấn công nhằm vào nhân viên Trung Quốc làm việc tại các mỏ vàng ở Cộng hòa Dân chủ Congo, trong một khu vực mà bạo lực chính trị do các nhóm vũ trang gây ra đang hoành hành.

Vào tháng 7/2024, sáu người Trung Quốc và ít nhất hai binh sĩ Congo đã bị bắn tại một mỏ vàng do một công ty Trung Quốc sở hữu một phần nằm ở miền đông bắc Congo, theo Reuters.

Thủ phạm được cho là các thành viên của một tổ chức vũ trang có tên là Hợp tác vì Sự Phát triển của Congo.

Đây là một trong nhiều nhóm đang chiến đấu để giành quyền kiểm soát đất đai và tài nguyên thiên nhiên trong khu vực.

Vào tháng 1/2022, có thông tin cho biết các tay súng ở Nigeria đã bắt cóc ba công nhân người Trung Quốc từ công trường xây dựng một con đập do công ty quốc doanh Sinohydro của Trung Quốc xây tại bang Niger.

Theo một báo cáo của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIEE) có trụ sở tại Mỹ, các nhóm vũ trang ở châu Phi và Đông Nam Á thường nghĩ rằng bắt cóc công dân Trung Quốc có thể giúp phát tài, vì họ cho rằng các công ty chủ quản Trung Quốc sẽ trả các khoản tiền chuộc lớn.

Trong hai thập kỷ từ khi mất quyền lực cho tới khi tái kiểm soát Afghanistan, quân Taliban thường xuyên bắt cóc công nhân Trung Quốc làm việc tại đây.

Mục đích thường là giữ làm con tin để đòi tiền chuộc.

Trung Quốc bảo vệ công nhân ở nước ngoài thế nào?

Tới nay, chính phủ và doanh nghiệp Trung Quốc đối phó với các cuộc tấn công nhằm vào công nhân Trung Quốc ở nước ngoài bằng cách “trả tiền chuộc để thả người, gây sức ép lên quan chức quốc gia sở tại nhằm tăng cường an ninh, và xuất khẩu công nghệ theo dõi để xác định và ngăn ngừa những phần tử cực đoan,” theo PIEE.

Trung Quốc cũng huấn luyện lực lượng vũ trang của các quốc gia sở tại để tăng cường khả năng an ninh.

Ngày càng có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc thuê các công ty an ninh tư nhân tới các công trường xây dựng để đối phó với những tay súng, những kẻ đánh bom tự sát và những kẻ bắt cóc.

“Tuy nhiên, Trung Quốc cũng không thể kỳ vọng nhiều vào những gì mà các quốc gia sở tại có thể thực thi,” báo cáo của PIEE nêu.

“Các khoản đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Trung Quốc lâu nay thường nhằm vào các quốc gia có pháp luật yếu kém.”

Sau vụ tấn công ở Pakistan, đại sứ quán Trung Quốc ở đây đã cảnh báo cư dân và doanh nghiệp Trung Quốc ở Pakistan phải đề cao cảnh giác và “cố gắng hết sức để thực hiện những biện pháp đảm bảo an toàn”.

 

 

© 2001 by Tổng Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Việt Nam. All Rights Reserved.Chính Việt xin đón nhận mọi ý kiến xây dựng và bài vở, xin email về baochinhviet@gmail.com

Search