Thời Sự

Căng thẳng Triều Tiên-Hàn Quốc leo thang: Chuyện gì đang xảy ra? Liệu sẽ có chiến tranh?

16/10/2024

    BBC News

Người dân ở thủ đô Seoul (Hàn Quốc) theo dõi bài phát biểu của Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hôm 15/10

Triều Tiên cáo buộc Hàn Quốc điều khiển máy bay không người lái (drone) vào thủ đô Bình Nhưỡng, làm gia tăng căng thẳng vốn đã âm ỉ trong nhiều tháng.

Những chiếc drone này được cho là đã rải truyền đơn tuyên truyền ở thủ đô Bình Nhưỡng. Triều Tiên gọi đây là một hành động khiêu khích có thể dẫn đến "xung đột vũ trang và thậm chí là chiến tranh".

Sau khi đưa ra những cáo buộc này với Hàn Quốc vào ngày 11/10, Bình Nhưỡng cho biết họ đã ra lệnh cho quân đội biên giới chuẩn bị sẵn sàng khai hỏa.

Ở chiều ngược lại, Hàn Quốc tuyên bố sẵn sàng đáp trả và cảnh báo rằng nếu sự an toàn của công dân nước mình bị đe dọa, đó sẽ là dấu hiệu cho "sự kết thúc của chế độ Triều Tiên".

Sau đó, vào hôm 15/10, Triều Tiên đã phá hủy một phần của hai con đường nối liền với Hàn Quốc, thể hiện phần nào lời đe dọa trước đó. Ngày hôm sau, tức 16/10, Triều Tiên tuyên bố rằng 1,4 triệu thanh niên nước này đã đăng ký nhập ngũ hoặc quay trở lại quân đội.

Những sự kiện này là những động thái mới nhất trong chuỗi hành động đáp trả qua lại giữa hai miền bán đảo Triều Tiên.

Căng thẳng giữa hai nước đã lên mức cao nhất tính trong nhiều năm trở lại đây kể từ khi ông Kim Jong-un tuyên bố vào tháng 1/2024 rằng Hàn Quốc là kẻ thù số một đối với chế độ của ông.

Chuyện gì đang xảy ra?

Triều Tiên cho nổ tuyến đường liên Triều vào hôm 15/10

Triều Tiên cho nổ tuyến đường liên Triều vào hôm 15/10

Vào ngày 11/10, Bộ Ngoại giao Triều Tiên cáo buộc Hàn Quốc điều khiển drone đến Bình Nhưỡng vào ban đêm trong hai tuần. Bộ này cho biết các drone đó mang theo "rác và truyền đơn có lời đồn kích động".

Người em gái có sức ảnh hưởng của ông Kim Jong-un, bà Kim Yo-jong, đã cảnh báo Seoul về "hậu quả khủng khiếp" nếu những chuyến bay drone như thế xảy ra một lần nữa.

Sau đó, bà Kim nói rằng có "bằng chứng rõ ràng" cho thấy "đám côn đồ quân sự" của Hàn Quốc đứng sau những hành động khiêu khích đó.

Triều Tiên đã công bố những hình ảnh mờ nhạt về những gì họ cho là drone trên bầu trời cùng những bức ảnh được cho là những tờ truyền đơn. Tuy nhiên, tuyên bố của họ chưa thể được xác minh độc lập.

Trong khi Hàn Quốc ban đầu phủ nhận việc điều khiển drone vào Triều Tiên, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân của nước này sau đó nói họ không thể xác nhận hay phủ nhận cáo buộc của Bình Nhưỡng.

Đã có suy đoán rằng các nhà hoạt động điều khiển những drone này. Họ từng gửi những thứ như vậy tới Triều Tiên bằng khinh khí cầu.

Park Sang-hak, lãnh đạo Liên minh Phong trào Triều Tiên Tự do, đã phủ nhận cáo buộc của Triều Tiên về cuộc xâm nhập bằng drone và nói rằng:

"Chúng tôi không bay drone tới Triều Tiên".

Vào ngày 14/10, Lãnh đạo Kim Jong-un đã gặp người đứng đầu quân đội, các lãnh đạo quân sự, các bộ trưởng an ninh quốc gia và quốc phòng, cũng như các quan chức hàng đầu, theo hãng thông tấn nhà nước KCNA của Triều Tiên.

Tại đó, ông Kim đã thiết lập "phương hướng hành động quân sự tức thời" và giao cho các quan chức thực hiện "hoạt động răn đe chiến tranh và thực hiện quyền tự vệ".

Người phụ trách quan hệ công chúng của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc Lee Sung-joon đã nói rằng Triều Tiên có thể tiến hành "những hành động khiêu khích quy mô nhỏ" như các vụ nổ nhỏ trên các con đường liên Triều.

Những vụ nổ tại các con đường mang tính biểu tượng Gyeongui và Donghae đã xảy ra sau lời nhận định của ông Lee.

Dù cả hai con đường đó đều đã đóng cửa từ lâu, theo các chuyên gia, việc phá hủy chúng gửi đi thông điệp rằng ông Kim không muốn đàm phán với Hàn Quốc.

Sau vụ nổ, quân đội Hàn Quốc cho biết họ đã khai hỏa ở phía biên giới của mình để thị uy. Họ cũng tăng cường giám sát Triều Tiên.

Vài giờ sau đó, chính quyền tỉnh Gyeonggi - tỉnh bao quanh thủ đô Seoul, đã chỉ định 11 khu vực biên giới liên Triều là "vùng nguy hiểm" nhằm ngăn chặn người dân gửi truyền đơn chống Triều Tiên qua biên giới.

"Tỉnh Gyeonggi đã xác định rằng hành động rải truyền đơn về phía Triều Tiên là một hành động cực kỳ nguy hiểm, có thể kích động một cuộc xung đột quân sự," Kim Sung-joong, phó tỉnh trưởng tỉnh Gyeonggi, nói trong một cuộc họp báo.

Việc rải truyền đơn như vậy có thể đe dọa "đời sống và sự an toàn của cư dân" vì "quan hệ liên Triều đang xấu đi nhanh chóng", ông Kim Sung-joong nói thêm.

Căng thẳng này cho thấy điều gì?

Các nhà phân tích cho rằng vụ drone cho thấy Triều Tiên đang củng cố sự ủng hộ trong nước bằng cách làm cho người dân tin rằng các mối đe dọa chống lại nước họ đang leo thang.

Theo Giáo sư Kang Dong-wan, giảng viên ngành khoa học chính trị và ngoại giao tại Đại học Dong-a ở thành phố Busan (Hàn Quốc), việc sử dụng các thuật ngữ như "các quốc gia riêng biệt" để nói về Hàn Quốc và bỏ đi những từ như "đồng bào" và "thống nhất" là một phần của chiến lược này.

"Chế độ Triều Tiên dựa vào sợ hãi chính trị và cần xây dựng hình ảnh một kẻ thù bên ngoài," Giáo sư Kang bình luận.

"Bất cứ khi nào căng thẳng gia tăng, Triều Tiên sẽ nhấn mạnh tới các mối đe dọa bên ngoài để tăng cường lòng trung thành với chế độ."

Các nhà phân tích cho rằng các màn ăn miếng trả miếng qua lại giữa hai miền Triều Tiên cho thấy họ đang bị mắc kẹt trong lý thuyết trò chơi "Ai là gà" khi cả hai bên đều không muốn mình rút lui trước.

"Ai là gà" (Chicken game) là trò chơi nếu cả hai không chịu rút lui thì hai bên sẽ va vào nhau và cùng thua cuộc. Nhưng bên nào rút lui trước thì bị xem là bên thua cuộc và bị gọi là "gà".

"Không bên nào muốn nhượng bộ vào thời điểm này," Giáo sư Kim Dong-yup từ Đại học Nghiên cứu Triều Tiên tại Seoul nhận xét.

Giáo sư Kim nói thêm rằng vì có sự ngờ vực lẫn nhau, Seoul "cần phải cân nhắc chiến lược về cách quản lý cuộc khủng hoảng".

Du khách dùng ống nhòm để nhìn về phía Triều Tiên tại khu phi quân sự (DMZ) chia cắt hai miền bán đảo Triều Tiên

Du khách dùng ống nhòm để nhìn về phía Triều Tiên tại khu phi quân sự (DMZ) chia cắt hai miền bán đảo Triều Tiên

Liệu sẽ có chiến tranh?

Các nhà phân tích cho rằng không phải lúc này.

"Tôi không nghĩ tình hình sẽ leo thang lên mức độ chiến tranh. Triều Tiên đang tận dụng việc đối đầu quân sự để củng cố đoàn kết nội bộ," Giáo sư Kang nói.

“Tôi nghi ngờ khả năng của Triều Tiên trong việc khởi xướng một cuộc chiến tranh toàn diện. Chế độ này nhận thức rõ về những hậu quả nghiêm trọng mà một cuộc xung đột như vậy sẽ gây ra,” ông nói thêm.

Cuộc tranh cãi gần đây nhất về drone rất có thể sẽ vẫn là một "trận võ mồm", Giáo sư Nam Sung-wook, giảng viên về nghiên cứu Triều Tiên tại Đại học Korea ở Seoul, bình luận.

Theo Giáo sư Nam, vì Seoul và Bình Nhưỡng biết rằng họ không thể kham nổi chi phí của một cuộc chiến tranh toàn diện nên "khả năng thực sự sử dụng vũ khí hạt nhân là thấp".

Bức tranh toàn cảnh

Về mặt kỹ thuật, hai miền bán đảo Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh vì họ không ký hiệp ước hòa bình khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc vào năm 1953.

Việc thống nhất với miền Nam đã luôn là một phần quan trọng trong hệ tư tưởng của miền Bắc kể từ khi thành lập nhà nước, mặc dù điều đó ngày càng xa rời thực tế. Điều này thay đổi khi ông Kim Jong-un từ bỏ việc tái hợp với miền Nam vào tháng Một năm nay.

Ông Kim đã đưa Triều Tiên đến gần hơn với Nga dưới thời Tổng thống Vladimir Putin, khiến ông càng mâu thuẫn với Mỹ và phương Tây - những đồng minh chính của Hàn Quốc.

Mối quan hệ lâu dài của Triều Tiên với Trung Quốc - có thể nói là đồng minh quan trọng nhất của nước này - cũng rất quan trọng.

Sau vụ việc drone, một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào ngày 15/10 đã kêu gọi tất cả các bên "tránh leo thang xung đột hơn nữa" trên bán đảo Triều Tiên.

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang gia tăng khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ bước vào giai đoạn nước rút.

 

 

 

© 2001 by Tổng Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Việt Nam. All Rights Reserved.Chính Việt xin đón nhận mọi ý kiến xây dựng và bài vở, xin email về baochinhviet@gmail.com

Search