24/10/2024
BBC News
Ứng viên tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump tuyên bố có thể áp thuế tới 60% lên các mặt hàng từ Trung Quốc. Lo ngại vị cựu tổng thống đắc cử, nhiều công ty Trung Quốc đã tính dời nhà máy sang các nước thứ ba như Việt Nam hoặc Ấn Độ.
Nếu ông Trump giành chiến thắng trong tháng tới, công ty đồ chơi Kidkraft sẽ giảm một nửa chuỗi cung ứng tại Trung Quốc trong vòng một năm, theo Reuters.
KidKraft, công ty cũng sản xuất thiết bị vui chơi ngoài trời, đã chuyển 20% sản lượng của mình từ Trung Quốc sang Việt Nam, Ấn Độ và những nơi khác sau khi ông Trump áp dụng mức thuế 7,5%-25% vào tháng 7/2018.
Giờ đây, vị cựu tổng thống đe dọa mức thuế 60% lên hàng hóa Trung Quốc nếu đắc cử. Ông Mike Sagan, phó chủ tịch phụ trách chuỗi cung ứng và hoạt động tại KidKraft, xem đây là một công cụ "thô bạo" có thể thay đổi cuộc chơi.
Ông cho rằng bà Kamala Harris đỡ "hung hăng" hơn nhưng vẫn có khả năng tiếp tục đối đầu với Trung Quốc trên chiến trường thương mại.
"Có những dấu hiệu cho thấy mọi chuyện sẽ khó khăn," ông Sagan nhận định. Công ty đã giảm số lượng nhà cung cấp Trung Quốc xuống từ 53 còn 41 vào đầu năm nay.
"Câu hỏi đặt ra là: liệu sẽ khó khăn hay cực kỳ khó khăn?"
Chỉ riêng mối đe dọa thuế quan đã khiến khu vực công nghiệp của Trung Quốc rung chuyển. Đây là nơi bán hàng hóa trị giá hơn 400 tỷ USD mỗi năm cho Mỹ và hàng trăm tỷ đô la nữa cho các thành phần của sản phẩm mà người Mỹ mua từ nơi khác.
Trong số 27 nhà xuất khẩu Trung Quốc có ít nhất 15% doanh số bán hàng sang Mỹ mà Reuters đã phỏng vấn, 12 công ty đang có kế hoạch đẩy nhanh việc di dời nếu ông Trump trở lại Nhà Trắng.
Bốn công ty khác, vẫn hoàn toàn ở Trung Quốc, cho biết họ sẽ mở nhà máy ở nước ngoài nếu ông Trump tăng thuế. 11 công ty còn lại không có kế hoạch cụ thể nào cho kết quả cuộc bầu cử, nhưng hầu hết đều bày tỏ lo ngại rằng họ có thể sẽ khó tiếp cận thị trường Mỹ.
Bộ Thương mại Trung Quốc không trả lời các câu hỏi của Reuters về tác động của kết quả bầu cử Mỹ đối với nền kinh tế, thương mại và quan hệ ngoại giao của nước này với Mỹ.
'Có thể sớm bay đến Việt Nam'
Matt Cole, người đồng sáng lập m.a.d Furniture Design vào năm 2010, là một trong những người chưa chuyển địa điểm sản xuất.
Sau khi thẩm định thị trường Đông Nam Á vào năm 2018, ông Cole nhận thấy mình vẫn cần phải nhập khẩu 60% linh kiện đồ nội thất từ Trung Quốc. Chi phí hậu cần và các bất cập khác nếu di dời thì cũng tương đương chi phí tăng thêm từ mức thuế 25%.
Dù không thấy lợi lắm nếu di chuyển nhà máy vào sáu năm trước, nhưng giờ đây ông Cole nghĩ doanh nghiệp của ông dễ tổn thương hơn nếu ở lại Trung Quốc.
Nếu ông Trump thắng, ông Cole sẽ chuyển sản phẩm đến Mỹ càng nhiều càng tốt trước khi thuế quan mới được áp dụng để có thêm thời gian tìm hiểu các cơ sở khác.
"Một số người đã đưa ra quyết định đúng đắn khi đến các nước thứ ba. Tôi khá chắc họ không lo lắng về cuộc bầu cử Mỹ như tôi. Tôi có thể sẽ sớm lên chuyến bay đến Malaysia hoặc Việt Nam, sớm thôi," ông Cole nói với Reuters.
Ông Mike Sagan từ KidKraft cho biết chi phí sản xuất của công ty mình bên ngoài Trung Quốc cao hơn khoảng 10% và có khả năng sẽ cao hơn nữa.
Nhưng công ty này quan ngại nhiều hơn về việc chất lượng sản xuất sẽ thấp hơn nếu thực hiện bên ngoài Trung Quốc.
Nếu bà Harris thắng, việc di dời sẽ được tiến hành với tốc độ thận trọng hơn để giảm thiểu rủi ro đó.
Ông Sagan cho rằng khi chuyển đổi địa điểm sản xuất, doanh nghiệp phải đối mặt với việc giảm chất lượng sản phẩm trong giai đoạn đầu do khó khăn trong việc xây dựng chuỗi cung ứng mới và tìm kiếm nhân công có kỹ năng.
"Thực sự có nguy cơ bị mất uy tín," ông bình luận.
Mối đe dọa sống còn
Thuế quan mà Mỹ áp đặt vào năm 2018 đã giúp Đông Nam Á hưởng lợi - nơi nổi lên như một điểm lắp ráp được ưa thích cho các sản phẩm tới Mỹ dựa trên chuỗi cung ứng của Trung Quốc.
Nhưng điều đó không ảnh hưởng nhiều đến tăng trưởng của Trung Quốc và không làm thay đổi sự phụ thuộc kinh tế toàn cầu vào tiêu dùng của Mỹ và sản xuất của Trung Quốc.
Trên thực tế, Trung Quốc đã tăng thị phần của mình trong ngành sản xuất toàn cầu kể từ khi bị áp thuế quan. Nước này đã chuyển dòng tiền từ lĩnh vực bất động sản sang các nhà máy, như một phần trong nỗ lực thúc đẩy các lực lượng sản xuất mới của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Thuế quan tác động ít hơn tới thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc so với lệnh phong tỏa Covid của quốc gia châu Á này. Điều này càng khẳng định thêm sự phụ thuộc kinh tế lẫn nhau giữa hai nước.
Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại 2.0 của ông Trump sẽ là thời điểm quyết định đối với nhiều nhà xuất khẩu Trung Quốc - những công ty đang giảm lợi nhuận dưới áp lực giảm phát nặng nề khi nhà nước chỉ đạo đầu tư vào các nhà máy thay vì người tiêu dùng.
"Nếu thuế lên mức 60% thì không ai xử lý nổi," một chủ doanh nghiệp chuyên bán 30-40% số nồi nấu cơm giá rẻ của mình cho Mỹ bình luận.
Thuế quan cũng đẩy chi phí lên cao hơn ở những nơi khác, theo Lance Ericson, chủ tịch của GL Wholesale, người đã tìm nguồn hàng từ Trung Quốc trong 30 năm và hiện đang tìm kiếm nhà cung ứng ở Việt Nam, Ấn Độ và Campuchia để bù đắp cho 40% doanh số bị mất đi kể từ thời ông Trump.
"Người Ấn Độ đang tăng giá thêm 10%. Điều này sẽ rất xấu cho Trung Quốc. Và cả cho tôi nữa," ông Ericson nói với Reuters.
Các mặt hàng xuất khẩu mà Trung Quốc có lợi thế, chẳng hạn như xe điện, phải đối mặt với thuế quan cao ở Mỹ, châu Âu và những nơi khác. Ông Trump đe dọa sẽ truy đuổi các nhà sản xuất xe điện của Trung Quốc với mức thuế 200% nếu họ bán cho Mỹ từ Mexico - nơi BYD đang lên kế hoạch xây dựng nhà máy mới.
Trong khi sự phản ứng dữ dội đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc chủ yếu nằm ở các sản phẩm như tấm pin mặt trời, xe điện và pin, thì một số thị trường như Indonesia và Ấn Độ đang tăng thuế đối với quần áo, đồ gốm hoặc thép do Trung Quốc sản xuất.
Các ngành công nghiệp khác cũng đang theo dõi sát sao những diễn biến này.
"Chúng tôi đang xây dựng nhà máy ở nước ngoài không chỉ vì thị trường Mỹ, mà để chuẩn bị cho những thay đổi trên phạm vi toàn cầu," theo một giám đốc điều hành tại công ty sản xuất thiết bị gia dụng Hàng Châu Vĩnh Diệu (Hangzhou Yongyao).
Phản ứng của Trung Quốc
Các nhà kinh tế học nhận định mức thuế 60% sớm nhất có thể có hiệu lực là vào giữa năm 2025, làm giảm tăng trưởng của Trung Quốc 0,4-0,7 điểm phần trăm vào năm tới do việc chuyển hướng đầu tư, cắt giảm việc làm và cắt giảm sản lượng.
Bắc Kinh có thể giảm thiểu điều này bằng cách tung nhiều gói kích thích hơn, kiểm soát xuất khẩu và hạ giá đồng nhân dân tệ, mặc dù các nước đi này mang theo rủi ro như mất đi dòng vốn, nợ nần và xung đột thương mại leo thang.
"Nếu Bắc Kinh đang lên kế hoạch hoàn lại tiền cho các nhà máy và những thứ tương tự, thuế quan sẽ ngày càng cao hơn," Larry Sloven, người đã tìm nguồn cung ứng và sản xuất sản phẩm trên khắp châu Á cho các công ty quốc tế kể từ những năm 1970, nhận định với Reuters.
"Nếu không tự mở rộng, các doanh nghiệp sẽ chết. Họ đang gặp mối nguy lớn."
Hầu hết các nhà xuất khẩu đều hy vọng ông Trump sẽ điều chỉnh lập trường nếu thắng cử.
Yang Qiong, một giám đốc điều hành tại Tập đoàn Dụng cụ Hybest Trùng Khánh - nhà sản xuất máy khoan tay, máy bắn đinh hơi và máy đóng đinh - nói rằng công ty của bà sẽ mở rộng cơ sở sản xuất tại Việt Nam nếu ông Trump trở lại, nhưng sẽ ở lại Trung Quốc nếu bà Harris trở thành tổng thống.
Mark Williams, nhà kinh tế trưởng về châu Á tại công ty phân tích Capital Economics, bình luận với Reuters rằng nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump sẽ làm suy yếu tăng trưởng trong ngắn hạn của Trung Quốc thông qua "những thách thức đối với trật tự kinh tế toàn cầu vốn đã giúp Trung Quốc thịnh vượng".
Nhưng điều này cũng mang đến nguy cơ làm tan rã liên minh các đồng minh của Mỹ từ châu Âu đến Đông Á, những nước ngày càng có cùng quan điểm về Bắc Kinh.
Nếu bà Harris giữ các đồng minh ở lại, "Trung Quốc có thể sẽ bị hạn chế hơn về mặt kinh tế trong trung hạn", ông Williams nhận định.