2/1/2025
BBC News
Năm 2024 là một trong những năm đầy biến động nhất kể từ khi tôi bắt đầu đưa tin về an ninh toàn cầu cho BBC sau vụ tấn công ngày 11/9/2001.
Sự sụp đổ đột ngột của chế độ Assad tại Syria, binh lính Triều Tiên chiến đấu cho Nga. Ukraine bắn tên lửa do Anh và Mỹ cung cấp vào lãnh thổ Nga, tên lửa Iran được vận chuyển đến Nga. Các cuộc không kích của Israel do Mỹ vũ trang tại Lebanon và Gaza, tên lửa Yemen bắn vào Israel.
Đây là một mạng lưới xung đột phức tạp và khó hiểu, đặt ra một câu hỏi buộc phải có câu trả lời: Liệu các chiến tuyến trên thế giới đang ngày càng giao nhau nhiều hơn?
Hãy để tôi nói rõ một điều: Đây không phải là Thế chiến III mặc dù Tổng thống Putin thích phóng đại mối nguy đó nhằm đe dọa phương Tây để không gửi thêm vũ khí mạnh hơn cho Ukraine.
Nhưng rõ ràng nhiều cuộc xung đột trên hành tinh chúng ta có quy mô toàn cầu, vậy những chiến tuyến này kết nối với nhau như thế nào?
Chúng ta có thể bắt đầu với cuộc chiến đang diễn ra ở phía đông châu Âu, trên khắp Ukraine kể từ ngày 24 /2/2022, khi Nga phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine trong nỗ lực bất thành nhằm chiếm toàn bộ đất nước.
Cuộc chiến Ukraine-Nga: Chiến tranh châu Âu cận kề
"Họ không hề biết rằng họ đang đến đây để chết. Đó sẽ là một bất ngờ lớn đối với họ," Rustam Nugudin, Tiểu đoàn "Achilles" thuộc quân đội Ukraine, nói.
Các tin tức giật gân thường viết về việc binh lính Triều Tiên thiếu kinh nghiệm, mới đến chiến trường, đang "ngấu nghiến" phim khiêu dâm trên mạng - thứ mà họ không thể truy cập ở quê hương biệt lập, bí ẩn của mình.
Những tin tức đó không thể che lấp sự thật rằng việc tham chiến của những người lính này là một sự leo thang nghiêm trọng.
Nó nghiêm trọng đến mức buộc Mỹ và các nước phương Tây khác dỡ bỏ lệnh cấm Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa của phương Tây để tấn công các mục tiêu sâu trong lãnh thổ Nga, khiến Điện Kremlin phẫn nộ.
Dù có những tuyên bố hùng hồn trên chiến trường thì sự xuất hiện của một đội quân Triều Tiên có quy mô bằng một sư đoàn, được cho từ 10.000 đến 12.000 người, là tin xấu đối với Ukraine vốn đang phải vật lộn với tình trạng thiếu hụt nhân lực.
"Ngay cả khi họ không phải là những người lính mạnh nhất, 10.000 người là một con số khá lớn, tương đương với hai lữ đoàn," Rustam Nugudin, một chỉ huy Ukraine trên tuyến đầu, bình luận.
"Trong khi đó chỉ cần hai lữ đoàn thì có thể đẩy quân Nga ra khỏi khu vực Kharkiv."
Ông chia sẻ thêm lời phàn nàn của người Ukraine:
"Vâng, các đồng minh phương Tây của chúng tôi giúp đỡ chúng tôi bằng vũ khí và huấn luyện, và chúng tôi rất biết ơn điều đó, nhưng quy mô thì không thể sánh được với sự hỗ trợ quân sự mà Nga nhận từ Iran và Triều Tiên. Tỉ lệ ủng hộ của hai bên phải đảo ngược nếu thực sự muốn chúng tôi - và châu Âu - chiến thắng."
Cuộc chiến ở Ukraine đã quốc tế hóa từ lâu trước khi lính Triều Tiên xuất hiện. Belarus - một quốc gia châu Âu trên danh nghĩa độc lập nhưng hiện nay gần như hoàn toàn đồng điệu với Nga - đã được sử dụng làm vùng đệm để tấn công Ukraine.
Ngay từ những tháng đầu tiên kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu vào năm 2022, Iran đã cung cấp Nga các máy bay không người lái (drone) gắn đầu nổ Shahed và gần đây thì Iran bị cáo buộc đã vận chuyển tên lửa đạn đạo mạnh cho Nga qua Biển Caspi.
Phương Tây cũng hầu như không đứng bên ngoài cuộc xung đột này. Một tuyến viện trợ một chiều từ Mỹ, NATO và EU, cả về tài chính lẫn quân sự, đã giúp Ukraine ngăn chặn phần lớn đợt tiến công của Nga - đến tận bây giờ.,
"Những gì chúng ta đang thấy là sự mất cân bằng cơ bản trong cách tiếp cận," chuyên gia về Ukraine của BBC Vitaly Shevchenko bình luận.
"Trong khi chính sách thận trọng và kiềm chế của phương Tây đã áp đặt những hạn chế đối với những gì Ukraine có thể làm, Moscow dường như không quan tâm đến việc xung đột có thể mở rộng hơn và thậm chí mong điều đó xảy ra."
Trung Đông: Bàn cờ bị đảo ngược
Sự phức tạp Trung Đông, thật lòng mà nói, khiến cho cuộc chiến ở Ukraine có vẻ đơn giản hơn. Bởi vì có một số cuộc xung đột trong khu vực, đều đang diễn ra hoặc đang lắng xuống, và tất cả đều xảy ra cùng một lúc.
Nhưng trước hết, có một lưu ý quan trọng. Trái ngược với ấn tượng mà chúng ta thường có qua truyền thông quốc tế, hầu hết Trung Đông không phải là chiến trường. Cuộc sống hằng ngày ở những nơi như Dubai (UAE), Ả Rập Xê Út và Ai Cập vẫn diễn ra bình thường, không bị chiến tranh đe dọa.
Ngay cả ở những quốc gia gần đây đã trải qua xung đột dưới một hình thức nào đó, như Iraq và Iran, hầu hết người dân ở đó đều đang có cuộc sống yên bình.
Syria: Dưới sự quản lý mới
Hầu như không ai lường trước điều này, kể cả Tổng thống Syria Bashar al-Assad mới bị lật đổ. Những người ủng hộ ông ở Tehran, Moscow và Beirut cũng không. Và cả mạng lưới tình báo trị giá hàng tỷ đô la của Mỹ cũng không nốt.
Trong vòng chưa đầy hai tuần, nhóm quân Hồi giáo nổi dậy có tên là Hayat Tahrir al-Sham (HTS) - nhóm mà Liên Hợp Quốc, Mỹ, EU và Vương quốc Anh xem là tổ chức khủng bố - đã rời khỏi thành trì của mình ở vùng tây bắc Syria và chiếm đóng hết thành phố này đến thành phố khác cho đến khi trở thành lãnh đạo mới của quốc gia này.
Đây không chỉ đơn thuần là một sự kiện cục bộ, chỉ xảy ra trong một quốc gia, mà là sự kiện có nhiều sợi dây liên kết quốc tế.
Một trong nhiều tác động từ cuộc đột kích do Hamas dẫn đầu vào miền nam Israel là phản ứng của chính phủ Israel đã gây ra tác động tàn khốc đối với các đồng minh của Iran trong khu vực.
Lần cuối cùng quân nổi dậy Syria có thể đe dọa đến quyền cai trị của Assad là vào năm 2015, thì Iran, Hezbollah và Nga đã cùng nhau giúp đỡ ông ta và đẩy lùi quân nổi dậy. Lần này không như vậy. Nga đang bận chiến đấu với Ukraine, Hezbollah bị tàn phá sau cuộc chiến ngắn ngủi với Israel và Iran bị tổn thương sau khi chứng kiến máy bay chiến đấu Israel dễ dàng xâm nhập vào không phận nước mình vào mùa thu năm ngoái.
Kết quả là các đồng minh của Assad không có khả năng hoặc không muốn đến giúp ông ta, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ, nước ủng hộ quân nổi dậy, đã nhìn thấy cơ hội để định hình lại tình thế theo hướng có lợi cho mình.
Gaza: Xung đột không hồi kết?
Tình hình ở Gaza không khác gì một bi kịch.
Cuộc xung đột gần nhất tại đây (và đã có nhiều cuộc xung đột ngắn hơn xảy ra trước đó) được kích hoạt bởi cuộc tấn công của Hamas (lực lượng mà nhiều chính phủ xem là khủng bố) vào miền nam Israel vào ngày 7/10/2023, trong đó hơn 1.100 người đã thiệt mạng và khoảng 250 người bị bắt làm con tin đưa vào Gaza.
Kể từ thời điểm đó, cuộc chiến tranh Israel-Hamas đã khiến hơn 44.000 người Palestine thiệt mạng. Chủ yếu là thương vong dân sự và mặc dù con số đó đến từ Bộ Y tế do Hamas quản lý, nhưng phần lớn số liệu được các cơ quan viện trợ độc lập xác nhận. Israel cho biết họ đã làm suy yếu đáng kể năng lực quân sự của Hamas.
Hiện nay, phần lớn Gaza nằm trong đống đổ nát. Hơn một triệu người đã phải ly tán, thường là nhiều lần, trong tổng số 2,4 triệu người. Nhiều người phải sống với điều kiện thảm hại trong lều bạt, bị rắn, bọ cạp và ghẻ lở tấn công vào mùa hè, và bị thời tiết mùa đông hành hạ.
Nhiều nỗ lực để đạt được một lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas đã thất bại, bất chấp sự vào cuộc của Qatar, Ai Cập, Mỹ và các bên khác.
IsraeI tuyên bố xóa sổ Hamas như một lực lượng quân sự. Mặc dù lực lượng của Hamas đã bị suy giảm đáng kể nhưng cuộc chiến vẫn chưa kết thúc. Các cuộc không kích tàn khốc của Israel vào các khu vực dân cư vẫn tiếp tục.
Dường như không có kế hoạch thống nhất nào về những gì sẽ xảy ra sau khi cuộc chiến dừng lại và không rõ ai sẽ cai trị Dải Gaza sau hơn 18 năm Hamas nắm quyền.
Theo nhiều lý do, Gaza là nguồn gốc của các cuộc xung đột khác trong khu vực, dẫn đến các cuộc tấn công qua về giữa Israel và, ở các thời điểm khác nhau, Lebanon, Yemen, Iran và Syria.
Iran và các đội quân ủy nhiệm
Iran ủng hộ một số lực lượng dân quân đồng minh hoặc "ủy nhiệm" xung quanh Trung Đông, cung cấp cho họ tiền bạc, vũ khí và huấn luyện thông qua Lực lượng Quds, một nhánh của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC). Tất cả đều công khai tỏ thái độ thù địch với Israel và được Iran gọi chung là "Trục Kháng chiến".
Ở Lebanon trong nhiều năm nay, lực lượng quân sự mạnh nhất không phải là quân đội quốc gia, cũng không phải là lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc đóng ở miền nam, mà là Hezbollah - lực lượng dân quân được Iran vũ trang bằng tên lửa và đạn pháo phản lực tiên tiến.
Vào ngày 8/10/2023, Hezbollah đã bắt đầu phóng tên lửa và máy bay không người lái vào miền bắc Israel như một hành động thể hiện tình đoàn kết, theo lời của họ, với những người anh em chiến đấu ở Gaza.
Vào tháng 9/2024, Israel đã thay đổi mục tiêu chiến tranh của mình - bao gồm việc đẩy lùi Hezbollah ra khỏi biên giới - để hơn 60.000 người Israel có thể trở về nhà ở miền bắc.
Israel, thông qua sự kết hợp giữa phá hoại bí mật của Mossad, cơ quan tình báo nước ngoài của họ, và quân đội - Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) - đã tung một loạt đòn tàn khốc vào Hezbollah, ám sát thủ lĩnh lâu năm của nhóm này, phá hủy hệ thống liên lạc cũng như hàng tấn vũ khí của họ.
Hàng ngàn người đã thiệt mạng trong cuộc chiến ngắn giữa Israel và Lebanon trước khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực vào cuối tháng 11/2024.
Israel đang có chiến tranh với Hamas ở Gaza, Hezbollah ở Lebanon và đã bắn trả qua về với Iran, Yemen, Syria và Iraq.
Mỹ tiếp tục cung cấp cho Israel viện trợ quân sự khổng lồ - cả phòng thủ như hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD lẫn vũ khí tấn công như phụ tùng cho chiến đấu cơ F-35 - bất chấp việc giết hại rất nhiều người Palestine ở Gaza và sự lên án của phần lớn thế giới.
Điều này khiến Mỹ và rộng hơn là phương Tây nói chung không được thế giới Ả Rập ưa thích và tạo điều kiện cho các nhóm khủng bố như Nhà nước Hồi giáo (IS) và Al-Qaeda tuyển quân, dẫn đến điều mà các quan chức an ninh phương Tây nói là nguy cơ gia tăng chủ nghĩa khủng bố xuyên quốc gia.
"Trục Kháng chiến" của Iran - Hezbollah, Hamas, Houthi,... - đã suy yếu do các cuộc tấn công của Israel trong năm nay nhưng vẫn chưa sụp đổ.
Ngoài việc cung cấp cho các lực lượng ủy nhiệm trong khu vực, Iran còn gửi tên lửa cho Nga để tấn công Ukraine. Có thông tin cho rằng để đổi lại, vệ tinh tình báo của Nga đang được chuyển giao cho lực lượng Houthi ở Yemen, thông qua Iran, để giúp nhắm mục tiêu vào các tàu chở hàng phương Tây đi từ Ấn Độ Dương vào Biển Đỏ.
Châu Phi: Sân sau mới của Nga
Nga có thể đã mất đồng minh quan trọng ở Địa Trung Hải là Syria, nhưng vẫn còn một đồng minh lớn là "Nguyên soái" Khalifa Haftar của Libya ở thành phố Benghazi.
Máy bay chở hàng của không quân Nga gần đây đã được nhìn thấy bay vào các đường băng của Libya, cả trên bờ biển và trong nội địa tại một nơi gọi là Brak. Moscow rõ ràng coi Libya như một bàn đạp để mở rộng tầm ảnh hưởng toàn cầu của mình ở Địa Trung Hải và cũng như một điểm trung chuyển cho các hoạt động lính đánh thuê của mình xa hơn về phía nam tại Sudan và Sahel.
Nhóm lính đánh thuê Nga trước đây được gọi là Wagner, và hiện đã đổi tên thành "Afrika Korps", đã thành công trong việc thay thế quân đội Pháp và các quân đội phương Tây khác ở các quốc gia vùng Sahel và các thuộc địa cũ của Pháp là Mali, Burkina Faso, Niger và Cộng hòa Trung Phi.
Điều này có nghĩa là Nga cũng thừa hưởng các vấn đề khủng bố IS ở các nước châu Phi đó nhưng cùng lúc, Moscow làm giàu bằng các thỏa thuận béo bở để đưa khoáng sản và các loại tài sản khác chảy về mình.
Ukraine gần đây dường như đã đi sai hướng trong khu vực này bằng cách kích động một cuộc tấn công lớn vào quân đội chính phủ Mali và các cố vấn người Nga của họ hồi tháng Bảy.
Đặc nhiệm Ukraine được cho là đã cung cấp máy bay không người lái và huấn luyện cho quân nổi dậy Tuareg, dẫn đến một cuộc phục kích, giết chết 84 lính đánh thuê người Nga và 47 binh sĩ Mali.
Hiển nhiên Kyiv đang cố "đưa thêm xung đột tới kẻ thù" nhưng nếu chính họ cung cấp máy bay không người lái thì động thái này được cho là đã phản tác dụng. Ukraine đã phủ nhận sự liên quan.
Triều Tiên: Mối quan hệ phá vỡ lệnh trừng phạt
Hàn Quốc đang lo lắng. Người ta nói rằng không có bữa trưa nào miễn phí, và Seoul hiện đang tự hỏi Bình Nhưỡng sẽ nhận được gì từ Moscow để đổi lại việc điều động hàng ngàn binh sĩ Triều Tiên tham gia vào cuộc chiến ở Ukraine. Liệu đó có phải là công nghệ tên lửa? Kiến thức hạt nhân? Sự hỗ trợ tàu ngầm, vệ tinh?
Cho đến nay, Hàn Quốc đã cẩn thận tránh việc gửi bất kỳ thiết bị quân sự nào trực tiếp tới Ukraine. Thay vào đó, họ gửi cho Mỹ các trang thiết bị mà sau đó sẽ được gửi tới Ukraine. Nhưng Hàn Quốc, với nền công nghiệp quốc phòng tiên tiến, đang xem xét việc dỡ bỏ lệnh cấm này và gửi thiết bị trực tiếp tới Kyiv.
Tất cả những điều này làm gia tăng căng thẳng vốn đã gay gắt trên Bán đảo Triều Tiên, nơi một quốc gia vũ trang hạt nhân hoang tưởng (Triều Tiên) đối đầu với quốc gia dân chủ thân phương Tây (Hàn Quốc). Hai nước chưa bao giờ chính thức chấm dứt chiến tranh mà chỉ dừng lại với một thỏa thuận đình chiến vào năm 1953.
Đài Loan và Trung Quốc: Chỉ còn là vấn đề thời gian
Đây chưa phải là một cuộc xung đột nhưng nó là một điểm nóng với khả năng bùng phát cao.
Trong khi phương Tây dành 20 năm đầu của thế kỷ này để bận rộn chiến đấu với các cuộc nổi dậy ở Iraq và Afghanistan, Trung Quốc lặng lẽ chiếm đóng các rạn san hô chiến lược trên vùng biển quốc tế ở Biển Đông và tuyên bố chủ quyền.
Lực lượng bảo vệ bờ biển của họ kể từ đó đã xung đột thường xuyên với các tàu Philippines, cho rằng các tàu thuyền đó đang xâm phạm lãnh thổ Trung Quốc, mặc dù chỉ mới ở ngay bên ngoài biên giới hàng hải của Philippines và không ở gần bờ biển Trung Quốc chút nào.
Nhưng mối lo ngại lớn nhất là Đài Loan. Bắc Kinh đã nhiều lần tuyên bố sẽ "lấy lại" nền dân chủ tự trị này về cho đại lục, mặc dù nó chưa bao giờ bị Bắc Kinh cai trị vào bất kỳ thời điểm nào kể từ khi Đảng Cộng sản lên nắm quyền và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời vào năm 1949.
Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố công khai rằng điều này sẽ đạt được, "bằng vũ lực nếu cần thiết", trước khi kỷ niệm 100 năm ngày Đảng Cộng sản lãnh đạo Trung Quốc vào năm 2049.
Đài Loan không muốn bị Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Bắc Kinh cai trị. Họ đã bầu một tổng thống ủng hộ dân chủ, chống Bắc Kinh, Lại Thanh Đức, người mà Bộ Chính trị ở Bắc Kinh ghét cay ghét đắng. Họ cáo buộc ông tìm kiếm độc lập cho Đài Loan (một lằn ranh đỏ đối với Trung Quốc) và đã đáp trả bài phát biểu mạnh mẽ gần đây của ông bằng một loạt cuộc tập trận quân sự răn đe cũng như các cuộc xâm nhập trên không xung quanh hòn đảo.
Câu hỏi lớn là: Nếu Trung Quốc xâm lược,hoặc khả thi hơn là phong tỏa Đài Loan, thì liệu Mỹ có đến bảo vệ họ bằng cách điều quân tới hay không? Liệu Tổng thống Trump nhiệm kỳ thứ hai có coi đây là một thách thức đối với lợi ích sống còn của Mỹ ở Thái Bình Dương hay không? Hay ông sẽ phó mặc Đài Loan cho số phận?
Điều này có khả năng dẫn đến một cuộc xung đột thực sự thảm khốc với hậu quả kinh tế toàn cầu sẽ vượt xa cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine.
Bức tranh toàn cảnh 2024
Đây là năm cán cân quyền lực ở Trung Đông đã thay đổi đáng kể, có lợi cho Israel và bất lợi cho Iran. Chính phủ Israel rõ ràng đã quyết định dốc toàn lực để "vô hiệu hóa" kẻ thù của mình, cho dù đó là ở Gaza, Lebanon, Yemen hay Syria. Những lằn ranh đỏ trước đây được cả Iran và Israel tuân thủ hiện đã bị vượt qua, với việc hai bên phóng tên lửa qua lại trong các cuộc tấn công trực tiếp lẫn nhau lần đầu tiên.
Cuộc chiến tranh Ukraine hiện nay cho thấy gần như chắc chắn là Ukraine không thể chiến thắng. Nga đã tăng cường máy móc công nghiệp quốc phòng của mình đến mức hiện nay có thể phần nào áp đảo phòng không của Ukraine và tuyến đầu của họ nhưng không đủ để chiếm toàn bộ đất nước. Tuy nhiên, Ukraine hiện lại trông yếu hơn bất kỳ lúc nào kể từ những tháng đầu tiên của cuộc xâm lược toàn diện.
Cuộc chiến tranh đã ngày càng quốc tế hóa, với binh lính Triều Tiên đến châu Âu để chiến đấu bên phía Nga và phương Tây bật đèn xanh cho Ukraine bắn tên lửa tầm xa vào Nga.
Thụy Điển đã gia nhập NATO, nghĩa là có tám quốc gia NATO giáp với Biển Baltic, nơi Nga duy trì hai điểm tựa chiến lược, ở St. Petersburg và Kaliningrad. Đã có một số vụ việc về điều được cho là "chiến tranh hỗn hợp" ở Baltic mà Nga bị nghi ngờ cố ý phá hủy các cáp thông tin liên lạc dưới biển.
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Có khả năng chính quyền Trump sắp tới sẽ có một nỗ lực chung nhằm thúc đẩy một thỏa thuận hòa bình ở Ukraine. Điều này có thể vấp phải rào cản đầu tiên. Tổng thống Putin đã nêu rõ các điều khoản của mình và chúng tương đương với việc Kyiv đầu hàng không chính thức nên phần lớn các điều khoản sẽ không được chấp nhận, ngay cả khi người dân Ukraine đang kiệt sức.
Nhưng nếu ông Trump buộc Mỹ ngưng viện trợ thì châu Âu không thể bù đắp được sự thiếu hụt, khiến Ukraine yếu hơn và thậm chí dễ bị Nga tấn công trên không và cả trên bộ hơn. Một số loại thỏa thuận ngừng bắn mơ hồ có thể là lựa chọn ít đau đớn nhất trong tất cả các lựa chọn đối với Ukraine, mặc dù họ không tin lời ông Putin.
Trung Đông vẫn đang biến động. Iran và Israel còn nhiều việc chưa hoàn thành nhưng Tehran rất hiểu rõ về điểm yếu của chính mình và về thái độ ngày càng hung hăng của Israel trong khu vực.
Sẽ không cần nhiều sự khiêu khích để kích hoạt một đợt không kích mới của Israel vào Iran. Đã có nhiều đồn đoán rằng ông Donald Trump - người đã ra lệnh ám sát Chỉ huy Lực lượng Quds của Vệ binh Cách mạng Iran vào năm 2020 - có thể phối hợp với Israel để tấn công chương trình hạt nhân của Iran.
Syria có thể đi theo cả hai hướng. Nước này có thể ổn định thành một quốc gia thành công, đa nguyên, chống lại xu hướng của các cuộc cách mạng khác trong khu vực. Hoặc cũng có thể rơi vào cuộc đấu đá phe phái. Phương Tây sẽ tiếp tục đấu tranh để ngăn Thổ Nhĩ Kỳ tấn công người Kurd ở Syria - đồng minh chính của phương Tây chống lại IS.
Mặc dù liên minh toàn cầu chống lại IS đã rút bớt thành phần quân sự của mình khỏi Trung Đông, nhưng IS-KP (Tỉnh Khorasan của Nhà nước Hồi giáo) đã cho thấy mức độ nguy hiểm của họ trong năm nay với vụ tấn công nhà hát Crocus ở Moscow, khiến 145 người thiệt mạng. Các thông tin tình báo phương Tây cho hay IS tiếp tục cố gắng tận dụng sự tức giận về Gaza và tuyển dụng tình nguyện viên cho các cuộc tấn công ở châu Âu, bao gồm cả Vương quốc Anh.
Sẽ có áp lực mới từ mọi phía để có một thỏa thuận hòa bình thực sự ở Gaza, đưa các con tin trở về nhà và chấm dứt cuộc tấn công của Israel vào vùng lãnh thổ bị tàn phá đó.
Nhưng Israel vẫn miễn cưỡng trong việc rút lui hoàn toàn khỏi vùng lãnh thổ này trong khi Hamas, lực lượng đang giam giữ các con tin, luôn khăng khăng rằng điều này phải xảy ra.
Có những cuộc thảo luận về một thỏa thuận lớn trong đó Ả Rập Xê Út cuối cùng sẽ công nhận Nhà nước Israel để đổi lấy một thỏa thuận an ninh ràng buộc với Washington. Phía Ả Rập Xê Út cũng nói rõ rằng điều này chỉ có thể xảy ra nếu có "một con đường rõ ràng, không thể đảo ngược để khai sinh ra một nước Palestine độc lập".
Đó là điều mà Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cực lực phản đối và tình trạng người định cư Israel chiếm đất của Palestine vẫn tiếp tục diễn ra nhanh chóng. Điều này có khả năng sẽ tiếp tục diễn ra nữa, nhất là khi ông Trump tiếp quản Nhà Trắng.
Việc ông Trump tái xuất trên trường quốc tế là một trong những lý do năm 2025 có thể không kém phần sôi động so với 2024.