Diễn Đàn

Từ hiện tượng sư Thích Minh Tuệ: Thế nào mới là tu?

 24 tháng 5 2024

    BBC News

Một chặng đường đi qua của nhà sư Thích Minh Tuệ đều có nhiều người đi theo)

Sư Thích Minh Tuệ, người thực hiện cuộc đi bộ khất thực khắp Việt Nam, đang trở thành một hiện tượng thu hút sự chú ý của đông đảo dư luận.

Hình ảnh sư Thích Minh Tuệ chân đất, trên người khoác một bộ y làm từ các mảnh vải vụn chắp vá, tay cắp lõi một chiếc nồi cơm điện, lang thang trên các nẻo đường để "tu học" khiến nhiều người xúc động, gọi ông là "bậc chân tu".

Nhận định về sư Thích Minh Tụê, sư Thích Đồng Long thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất nói với BBC rằng "đây là một trường hợp hiếm có".

"Trong lịch sử, kể từ thời đức Phật hơn hai ngàn năm trăm năm trước đến nay, tôi nghĩ cũng có nhiều vị đã từng thực hành những hạnh như thế.

"Nhưng trong thời kỳ 4.0 này thì trường hợp của thầy Minh Tuệ là rất hiếm."

Trong nhiều video trên mạng xã hội, có thể thấy hàng trăm người dân đã đổ ra đường để được tận mắt chứng kiến "hiện tượng" sư Minh Tuệ.

Trong một video được quay tại TP Thanh Hóa mới đây, nhiều người dân đã tổ chức quét đường để chờ sư đi qua.

Một video khác quay cảnh hàng chục YouTuber, TikToker quây quanh sư Tuệ để quay phim, chụp ảnh nhất cử nhất động của ông.

Rất nhanh chóng, tiểu sử của sư Minh Tuệ cùng con đường tu học của ông tràn ngập trên mạng xã hội.

Theo các mô tả được phổ biến đến nay, sư Minh Tuệ từng là lớp trưởng thời phổ thông. Ông bắt đầu con đường tu hành từ năm 2015. Thoạt tiên ông tu tại gia, sau đó xuất gia. Đến năm 2018, ông rời chùa, khởi sự tu 13 hạnh đầu đà và bộ hành khất thực từ nam chí bắc.

Trong các video trên mạng xã hội, sư Minh Tuệ luôn xuất hiện với nụ cười hiền lành và dáng vẻ, cách nói chuyện khiêm nhường.

Ông nói ông không phải là sư, không tu ở bất cứ chùa nào, ông đi bộ để rèn luyện sức khỏe và làm theo lời Phật dạy.

“Con là người Việt Nam đi tập học theo lời Phật dạy, không nhận tiền bạc của ai dưới bất kỳ hình thức nào, họ cho ngày một bữa vào buổi sớm rồi thì con không nhận nữa.

"Con không phải là sư hay thầy gì cả, không thuộc giáo hội gì, không Nam tông hay Bắc tông…,” ông Thích Minh Tuệ nói trong một video do người dân ghi lại, đăng trên TikTok.

Khi có người hỏi tại sao ông không tu ở một chùa nhất định nào đó, ông Minh Tuệ trả lời:

“Có người đang ở nhà yên lành thì bỏ nhà đi vào chùa. Có người vào chùa rồi thì lại bỏ chùa mà đi, không còn mê đắm gì nữa…"

Không thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Một buổi sinh hoạt của các Phật tử

Một buổi sinh hoạt của các Phật tử ở Lâm Đồng

Sự cuốn hút của sư Thích Minh Tuệ đã khiến các hội đoàn Phật giáo do nhà nước quản lý lên tiếng.

Ngày 16/5, thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đã gửi công văn đến ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở các tỉnh, thành phố.

Công văn viết:

“Trong những ngày vừa qua, trên mạng xã hội TikTok, Facebook, YouTube, Instagram, Twitter xuất hiện nhiều hình ảnh, clip về người đàn ông mang hình dáng nhà sư đi bộ hành dọc tuyến đường từ Khánh Hòa ra Hà Giang và ngược lại.

“Qua tìm hiểu xác minh, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định người đàn ông này không phải là tu sĩ Phật giáo, không tu tập và không là nhân sự của bất cứ ngôi chùa, cơ sở tự viện nào của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.”

Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam cũng ra thông báo: “Ông Thích Minh Tuệ không phải là tu sĩ Phật giáo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam.”

Đây là hai phản ứng chính thức của một giáo hội Phật giáo do nhà nước quản lý và một cơ quan nhà nước phụ trách tôn giáo về trường hợp nhà sư Thích Minh Tuệ.

Công văn của thượng tọa Thích Đức Thiện đã vấp phải sự phê phán của nhiều người.

Một trong số những câu hỏi được đặt ra là: Liệu Giáo hội Phật giáo Việt Nam có quyền và có tư cách để công nhận một ai đó là tu sĩ Phật giáo hay không?

Thế nào mới là tu?

Trả lời BBC từ Sài Gòn, tu sĩ Thích Đồng Long, một thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất không thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam và không được nhà nước Việt Nam công nhận, chia sẻ:

"Quan niệm không theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì không phải tu là một cách nhìn rất sai lầm, thể hiện sự thiếu tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam.

"Vì người tu thật sự thì không nhất thiết phải theo một tổ chức nào cho dù tổ chức đó có chính danh hay không."

"Thời Đức Phật hoàn toàn không có giáo hội nào cả. Chỉ có tinh thần chánh pháp và những lời dạy của Phật.

"Bất cứ người nào hành trì theo những lời Phật dạy thì đều là người tu thật.

"Còn nếu người đó có tham gia bất kỳ một tổ chức nào, hay là với vai trò gì, nhưng đi ngược lại lời Phật thì đó là người giả tu, người không tu hành chân chính."

Việc Giáo hội Phật giáo Việt Nam ban hành văn bản nói trên, sư Thích Đồng Long nhận định rằng "có phần không thiện cảm và hơi ác ý đối với vị sư Minh Tuệ".

Theo sư Thích Đồng Long, sư Minh Tuệ chỉ đang tự tu học chứ hoàn toàn không xâm phạm đến những lợi ích của giáo hội Phật giáo Việt Nam, cũng không tự đề cao mình, không tư lợi gì.

"Giáo hội Phật giáo Việt Nam không biết vì những cái lý do gì mà lại có công văn như vậy," sư Thích Đồng Long nói với BBC.

Phật giáo Việt Nam đang ở đâu?

Sau ngày thống nhất đất nước năm 1975, chính phủ Việt Nam đã cho thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, là tổ chức Phật giáo duy nhất được coi là đại diện hợp pháp cho Phật giáo tại Việt Nam, là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Tổ chức này hiện có gần 5 triệu thành viên Phật tử, theo thống kê của Ban Tôn giáo Chính phủ.

Nhiều nhà sư thuộc tổ chức này có "chân" trong chính quyền Việt Nam, là thành viên của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Chẳng hạn, sư Thích Quảng Phục ở chùa Long Khánh (Phú Yên) được mô tả là người có "47 tuổi đời, 25 tuổi đạo" và là "một đảng viên gương mẫu".

Sư Quảng Phục được báo chí của chính quyền Việt Nam ca ngợi là đã "nỗ lực tích cực tuyên truyền phổ biến sâu rộng chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước đến các tín đồ, góp phần đấu tranh ngăn chặn những âm mưu diễn biến hòa bình, lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để xuyên tạc, kích động phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc", theo báo Công an Nhân dân vào tháng 2/2024.

Các nhà sư tại chùa Vĩnh Nghiêm ở TP HCM cầu nguyện cho cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang, người qua đời vào năm 2018

Các nhà sư tại chùa Vĩnh Nghiêm ở TP HCM cầu nguyện cho cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang, người qua đời vào năm 2018

Báo chí cũng nhiều lần đưa tin các nhà sư được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, tích cực trong hoạt động tuyên truyền đường lối của Đảng, chẳng hạn trường hợp hòa thượng Thạch Huôn 64 tuổi vào năm 2009. Hòa thượng Thích Thanh Sam khi viên tịch vào năm 2018 được chứng nhận có "50 năm tuổi đảng".

Phật Giáo "chính thống", tức Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trong những năm qua, kể từ sau thống nhất đất nước năm 1975, đã phát triển mạnh về hình thức và quy mô.

Chùa chiền đồ sộ được xây dựng tại nhiều tỉnh thành. Nhiều chùa có doanh thu khổng lồ, như chùa Ba Vàng của sư Thích Trúc Thái Minh thu tới 4,1 tỷ đồng/tháng tiền công đức.

Với sự phát triển của mạng xã hội, nhiều chùa và sư có các kênh truyền thông riêng, quảng bá hình ảnh rất chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng Phật giáo Việt Nam đang khủng hoảng, thậm chí suy thoái.

Trong một bài viết trên Thư viện Hoa sen tháng 4/2022, TS Nguyễn Hữu Liêm viết:

"Tăng sĩ thì rất đông, chùa chiền lớn và nhiều, nhưng đời sống tinh thần theo giáo lý thì nông cạn và thoái hóa.

"Đối với thể loại Ngã thức của đại đa số dân tộc Việt Nam rất non yếu ngày nay thì dòng đạo lý ngoại thân - tức là sự cứu độ đến từ bên ngoài - như Thiên Chúa giáo với hệ Công giáo, Hồi giáo, hay Phật Giáo Tịnh độ tông, sẽ thích hợp và đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng và giúp họ trưởng thành hơn.

"Khi Ngã thức còn non nớt, thiếu bản lãnh nội tại, thì cá nhân không thể là ngọn đuốc để có thể thắp sáng chính mình..."

Trong một bài viết khác trên BBC Tiếng Việt, TS Nguyễn Hữu Liêm nhận định:

"Hiện trạng mở cửa tu hành quá rộng, quá dễ, để cho hầu như bất cứ ai cũng có thể trở nên tăng sĩ Phật giáo, là cả một thảm họa."

Một số nhà nghiên cứu tôn giáo cho rằng thời hưng thịnh của Phật giáo Việt Nam là từ trước 1975, khi Phật giáo luôn có một tầm ảnh hưởng chính trị nhất định.

Tác giả Nguyễn Khoa cho rằng "Sự hồi phục của Phật giáo Việt Nam chấm dứt với chiến thắng của những người cộng sản vào ngày 30/4/1975", theo một bài viết của ông trên Việt Studies vào tháng 8/2022

"Thiền sư Trí Quang bị giam lỏng, các vị Huyền Quang, Quảng Độ bị vào tù ra khám, nặng nề nhất là thiền sư Tuệ Sỹ suýt bị chế độ cộng sản xử tử hình..," ông nêu ví dụ.

"Với quan điểm tự nhận mình là vô thần, và mô hình toàn trị, những người cộng sản không bao giờ muốn những loại triết học, tư tưởng, tâm linh,… ngoài cộng sản, cùng tồn tại với mình."

Đứng bên ngoài giáo hội chính thống

Phật giáo Việt Nam

Song song với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, vẫn tồn tại các tổ chức tôn giáo độc lập khác, bất chấp việc không được chính phủ Việt Nam thừa nhận.

Là thành viên Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất - một tổ chức tôn giáo thành lập năm 1964 và được chính phủ Việt Nam Cộng hòa công nhận nhưng không được nhà nước Việt Nam hiện nay công nhận - sư Thích Đồng Long chia sẻ với BBC rằng tổ chức của ông gặp rất nhiều rắc rối với chính quyền.

Ông nói: "Thực ra thì chính sách tôn giáo của Việt Nam rất là khắt khe và độc tài.

"Đối với những người, những tổ chức, những cá nhân không sinh hoạt với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chẳng hạn như giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất của chúng tôi đây, thì sau năm 1975, bị đàn áp, bị kiềm tỏa hay bị khống chế cô lập cho đến bây giờ.

"Chúng tôi sinh hoạt với một hoàn cảnh rất khó khăn.

"Những tổ chức tôn giáo độc lập khác cũng đồng với số phận như vậy.

"Ví dụ như họ không cho chúng tôi tổ chức các buổi lễ để tu học. Nếu chúng tôi tổ chức thì họ đến đàn áp, gây rối. Hoặc họ vận động các quần chúng Phật tử để tạo sự chia rẽ, ác cảm đối với những nhà chùa hoặc với những cá nhân, tổ chức không theo giáo Hội Phật giáo Việt Nam. Họ nói đây là giả tu, là chống đối chính quyền, v.v.. Họ quy chụp rất nhiều những cái vô căn cứ.

"Họ cô lập để cho quần chúng Phật tử không đến sinh hoạt, tu học tại các chùa độc lập, không thuộc giáo hội Phật giáo Việt Nam, để cho các chùa bị khó khăn không thể sinh hoạt được.

"Họ cũng vận động, tuyên truyền, lôi kéo để mong sao các chùa có thể đăng ký gia nhập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, để họ quốc doanh hóa Phật giáo."

BBC từng đưa tin về các vụ việc thành viên các tổ chức tôn giáo độc lập bị chính quyền gây khó dễ, thập chí bắt bớ.

Chẳng hạn các thành viên Đạo Tràng Út Trung (thuộc Phật giáo Hòa Hảo) từng bị bắt và bị tù nhiều năm.

Dân biểu Quốc hội Liên bang Đức, ông Martin Patzelt, nay đã nghỉ hưu, từng bảo trợ và giúp đỡ trường hợp của cha con ông Bùi Văn Trung của Đạo Tràng Út Trung khi cả hai còn ngồi tù, nói với BBC Tiếng Việt hồi tháng 7/2023 rằng "có một sự sợ hãi lớn của những nhà cầm quyền độc tài đối với những người có suy nghĩ khác biệt, trong trường hợp này là những người theo đạo Phật".

"Tất cả những người không tuân theo học thuyết của nhà nước cộng sản dường như bị xem là một mối đe dọa đối với những người cầm quyền," ông Martin Patzelt nói.

BBC Tiếng Việt cũng liên hệ với một nhà sư thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam – một người từng đăng video trên YouTube chia sẻ suy nghĩ của ông về hiện tượng sư Thích Minh Tuệ - để hỏi ý kiến của ông về tình hình Phật giáo Việt Nam hiện nay.

Tuy nhiên vị sư này từ chối trả lời với lý do ông không muốn gây căng thẳng trong nội bộ giáo hội – nơi vừa có văn bản về ông Tuệ.

13 hạnh đầu đà là gì?

Sư Thích Minh Tuệ trên đường "tu học" đang thu hút sự quan tâm chưa từng có

Sư Thích Minh Tuệ trên đường "tu học" đang thu hút sự quan tâm chưa từng có

Trong hàng đệ tử Phật, tôn giả Ca Diếp đã trọn đời giữ hạnh đầu đà.

Theo tài liệu đạo Phật, pháp hạnh đầu đà là một trong những phương pháp tu khổ hạnh để tôi luyện thân tâm, trừ bỏ phiền não, với 13 hạnh đầu đà bao gồm:

  • Hạnh mặc y phấn tảo: vải may y nhặt ở lề đường, nghĩa địa, đống rác...
  • Hạnh ba y: sử dụng những miếng vải chắp vá lại thành y; chỉ dùng ba y không nhận thêm y thứ tư.
  • Hạnh khất thực: dùng thức ăn bằng cách đi xin; xin ngày nào ăn ngày đó, không để dành; không ăn trong tịnh xá, không nhận lời đến ăn tại nhà cư sĩ.
  • Hạnh khất thực từng nhà: đi khất thực theo thứ tự, không phân biệt giàu nghèo.
  • Hạnh nhất tọa thực: ngồi ăn chỉ một lần, khi đã đứng lên rồi thì không ngồi xuống ăn lại; hoặc không ăn nhiều lần trong ngày; không nhận đồ ăn sau buổi trưa.
  • Hạnh ăn bằng bình bát: chỉ ăn những thức ăn xin được trong bình bát, không nhận bát thứ hai; không ăn bằng chén, đĩa riêng.
  • Hạnh không để dành đồ ăn: không nhận đồ ăn sau khi đã ăn xong, cho dù người khác muốn cho thêm.
  • Hạnh ở rừng: sống ở rừng, ở nơi hẻo lánh, không ở làng xóm, tránh xa những thứ gây mất tập trung.
  • Hạnh sống bên gốc cây: ở gốc cây, không sống ở nhà hoặc chỗ ở có mái che.
  • Hạnh ở giữa trời: sống ở ngoài trời, không ở trong nhà.
  • Hạnh ở nghĩa địa: sống ở nghĩa địa, bãi tha ma hoặc nơi hỏa táng.
  • Hạnh nghỉ chỗ nào cũng được, không cố định.
  • Hạnh ngồi không nằm: sống với ba tư thế đi, đứng, ngồi; không bao giờ nằm, khi ngủ cũng trong tư thế ngồi.

 

 

 

© 2001 by Tổng Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Việt Nam. All Rights Reserved.Chính Việt xin đón nhận mọi ý kiến xây dựng và bài vở, xin email về baochinhviet@gmail.com

Search