11/06/2024
BBC News
Sư Thích Minh Tuệ chọn đứng ngoài mọi giáo hội, trong đó có Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Dù hành trình bộ hành đặc biệt của sư Thích Minh Tuệ đã dừng lại nhưng còn đó nhu cầu cấp thiết cần thanh lọc Giáo hội Phật giáo Việt Nam - tổ chức không công nhận ông là tu sĩ, theo một số nhà quan sát.
Dưới sự quản lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tổ chức duy nhất đại diện cho Phật giáo Việt Nam được chính quyền công nhận, chùa chiền ở Việt Nam ngày càng nở rộ, tượng Phật ngày càng đồ sộ.
Có khoảng 19.000 ngôi chùa khắp cả nước, tính tới năm 2020, theo thống kê của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Một số chùa đặc biệt giàu có, như chùa Ba Vàng của Trụ trì Thích Trúc Thái Minh thu tới 41 tỷ đồng/tháng tiền công đức.
Bất chấp sự phát triển về hình thức và quy mô, tinh thần chánh pháp và tu học đi xuống, theo TS Nguyễn Hữu Liêm trong một bài viết trên BBC năm 2022.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam phụng sự ai?
Giáo hội Phật giáo Việt Nam xác định mục đích của mình là phụng sự lý tưởng "Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội".
Điều này được nêu rõ trong Hiến chương của giáo hội và được nhấn mạnh tại Hội nghị lần thứ 2 khóa 9, nhiệm kỳ 2022 - 2027 vào ngày 27/12/2022.
Theo đó, các tăng ni của giáo hội, đặc biệt là các bậc chức sắc, tích cực tham gia những nhiệm vụ chính trị mà Đảng Cộng sản Việt Nam giao phó.
Nhiều sư thầy thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam, hoạt động tuyên truyền chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam và được tuyên dương là có thành tích ngăn chặn các "âm mưu xuyên tạc, kích động phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc".
Hòa thượng, tiến sĩ Thích Thanh Điện, Phó Tổng Thư ký - Chánh Văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trong bài tham luận tại Đại hội Phật giáo khóa 9, cho hay tổ chức này "thấm nhuần truyền thống văn hóa dân tộc, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước". Ông còn cho biết: "Một số chư Tôn đức đã tham gia Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp từ Trung ương đến địa phương..."
Công tác này không chỉ được thực hiện trong nước, mà còn vươn ra hải ngoại.
Hiện nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam có các hội phật tử, trung tâm văn hóa Phật giáo của cộng đồng người Việt Nam ở 33 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Văn kiện Đại hội Phật giáo khóa 9 nêu rõ rằng Giáo hội Phật giáo Việt Nam có nhiệm vụ thực hiện ngoại giao văn hóa, ngoại giao nhân dân, cụ thể là triển khai đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng.
Để thực hiện việc này, Giáo hội Phật giáo Việt Nam xác định chức năng của mình là "tổ chức thông tin đối ngoại, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới, đấu tranh với các âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch..."
Theo ông Bửu Nguyễn, nghiên cứu sinh ngành Phật học ứng dụng tại Nan Tien Institute (Úc), theo giáo pháp của Đức Phật, tu sĩ không được tham gia vào những việc như vậy.
Ông nói:
"Tu sĩ không nên tham gia chính quyền hoặc trở thành thành viên của Đảng Cộng sản Việt Nam, hay tham gia vào công tác từ thiện xã hội.
"Đã xuất gia rồi thì chỉ lo việc tu tập với mục đích là giải thoát."
Thượng tọa Thích Đồng Long, Chánh Thư ký Ban Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất Miền Quảng Đức - một tổ chức thành lập năm 1964 và được chính quyền Việt Nam Cộng hoà công nhận, nhưng không được chính quyền hiện nay công nhận - cũng đồng tình với ý kiến rằng nhà sư không nên tham gia chính trị.
Sư Thích Đồng Long nói với BBC:
"Việc nhà sư tham gia chính trị là hoàn toàn không phù hợp. Có thể trong một xã hội nhiều biến động, mình cần làm những gì lợi ích cho đạo, cho dân trong một giai đoạn thì có thể phù hợp. Xong rồi thì trở về tu học.
"Còn nếu trọn đời người đó đã tu mà tham gia vào một cái tổ chức đảng phái chính trị và vì quyền lợi của tổ chức này mà sẵn sàng làm những điều có thể trái với đạo đức, trái với lời Phật dạy thì vấn đề đó hoàn toàn không phù hợp."
Trong một bài viết trên Thư viện Hoa Sen ngày 19/6/2028, tác giả Thích Tánh Tuệ viết rằng Đức Phật khuyên tu sĩ nên giảng, tư vấn về chính trị, nhưng không tham gia chính trị, với hai lý do:
"... vì Ngài biết rất rõ:
"1. Người làm chính trị luôn luôn xảo trá, dã tâm, hận thù, chống đối với phe đối lập dù bên phe đối lập có giải pháp hay, cách thức đúng, mang lại hạnh phúc cho người dân…
"2. Các thể chế chính trị chỉ là nhất thời, tồn tại trong thời quân chủ vài thập niên, nhiều nhất là vài trăm năm như thời Lý, Trần... Nói chung, các thể chế chính trị không trường tồn. Muốn Đạo Phật trường tồn thì Tu sĩ Phật giáo 'không theo phe nào' để mỗi khi thay đổi thể chế chính trị sẽ không bị họa lây..."
'Độc quyền Phật giáo'
Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nêu rõ "việc tham gia Giáo hội Phật giáo Việt Nam là tự nguyện".
Tuy nhiên, kể từ khi thành lập cho tới nay, giáo hội này luôn thực hành một chính sách mà giới quan sát gọi là "độc quyền Phật giáo", đó là chỉ công nhận các thành viên của mình là tu sĩ.
Mới đây nhất, hôm 16/5, Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra công văn chính thức tuyên bố sư Thích Minh Tuệ không phải là tu sĩ dù ông đang tu “theo lời dạy của Đức Phật”.
Tổ chức này cũng cho kỷ luật thành viên của mình là sư Thích Minh Đạo, trụ trì Tu viện Minh Đạo ở Bà Rịa-Vũng Tàu, sau các video sư Minh Đạo khen ngợi sư Minh Tuệ.
Người tu hành và các cơ sở Phật giáo độc lập cho biết là họ thường xuyên được mời gọi, thậm chí bị gây áp lực, để tham gia giáo hội.
Sư Thích Đồng Long nói với BBC:
"Họ gây khó dễ cho công tác tu học của chúng tôi. Họ đã nhiều lần kêu gọi chúng tôi phải gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam quốc doanh của họ."
Một số vụ việc gây xôn xao trong dư luận thời gian qua, còn phải kể đến việc bắt tù ông Phan Văn Thu, người sáng lập Ân Đàn Đại Đạo - một tổ chức Phật giáo độc lập được chính quyền Miền Nam Cộng hòa công nhận trước năm 1975 - cùng 19 thành viên khác.
Ông Thu và hai thành viên đã chết trong tù. Hiện 12 người vẫn còn đang trong trại giam.
Một sự kiện nữa là vụ bắt giam cha con ông Bùi Văn Trung, người sáng lập Đạo Tràng Út Trung (thuộc Phật giáo Hòa Hảo) ở An Giang.
Đáng chú ý là, một số tu sĩ nổi tiếng, được đông đảo Phật tử khắp nơi trên thế giới mến mộ, như Thiền sư Thích Nhất Hạnh, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, sinh thời đều đứng ngoài Giáo hội Phật giáo Việt Nam và đều không được tổ chức này công nhận là tu sĩ.
Trong khi đó, một loạt những lùm xùm "mang tính hệ thống" (lời ông Bửu Nguyễn) xảy ra gần đây liên quan đến lối sống, cách hành đạo, thuyết giảng của các tu sĩ chủ yếu là thành viên thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Điều này gây bức xúc trong dư luận, được cho là góp phần làm suy giảm niềm tin của người dân vào Phật pháp và tăng sĩ, đồng thời làm dấy lên câu hỏi Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở đâu trong đời sống Phật tử? Tổ chức này phải chăng chỉ là cánh tay nối dài của Đảng Cộng sản Việt Nam?
Thanh lọc Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Trong bối cảnh đó, ông Bửu Nguyễn cho rằng việc thanh lọc hàng ngũ Giáo hội Phật giáo Việt Nam là "vô cùng bức thiết".
Ông nói:
"Những vụ việc lên báo chí Việt Nam đã đủ nhiều rồi, chưa kể những vụ chưa được nêu ra công luận. Ngay ở các chùa cũng tự giấu diếm bao che lẫn nhau.
"Ở nhiều nước người ta cũng gióng lên hồi chuông, tất nhiên mức độ lùm xùm ở nước họ thì đã thấp hơn ở mình rồi."
Ông Bửu Nguyễn nhận định rằng tình hình Phật giáo Việt Nam nhìn từ góc độ Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì đi xuống rất nhiều.
"Tất nhiên trong lịch sử Việt Nam, Phật giáo cũng có những thời kỳ đi xuống. Ví dụ vào các cái thời kỳ Lý, Trần. Các vị vua này cũng là Phật tử. Họ cảm thấy Phật giáo đang suy đồi, tức là tăng sĩ có tài sản quá nhiều.
"Thời nào cũng vậy, hầu như Phật giáo ở Việt Nam có vai trò rất lớn. Họ được nhiều ưu đãi, thậm chí được cấp đất đai.
"Do đó các vua Lý, Trần đã giúp Phật giáo của thời kỳ đó làm trong sạch đội ngũ tăng sĩ.
"Tôi cho rằng nghĩ giai đoạn này, chính quyền, ví dụ Ban Tôn giáo Chính phủ hoặc là các vị lãnh đạo cao cấp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng nên cũng nên khuấy động phong trào làm trong sạch tổ chức".
Còn theo sư Thích Đồng Long thì thanh lọc mấy cũng không ăn thua.
Ông lý giải:
"Giáo hội Phật giáo Việt Nam bản chất từ khi thành lập là một thành viên đứng trong sự tổ chức của chính quyền Việt Nam, cụ thể là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thì cho dù bây giờ có thanh lọc nhân sự cách mấy đi chăng nữa, nếu người tu hành có hành đạo như thế nào, dù không ảnh hưởng xấu tới xã hội nhưng trái với ý của chính quyền, của mặt trận người ta cũng sẽ đàn áp."
"Giả như trong nội bộ Giáo hội Phật giáo Việt Nam có những vị quyết tâm muốn dấn thân hành đạo thì cũng rất khó."
"Chỉ khi nào Việt Nam có tự do tôn giáo thật sự, các tổ chức tôn giáo độc lập, có thể ngoài Giáo hội Phật giáo Việt Nam, có những giáo hội khác, những tổ chức những hệ phái khác tự do hành đạo, được chính quyền chấp nhận, không đàn áp, khi đó mới mong rằng Phật giáo tại Việt Nam có thể chấn hưng mà phát triển được."