Thời Sự

Mỹ bán cho Đài Loan với 'dàn Patriot mới'

Mỹ bán cho Đài Loan với 'dàn Patriot mới'

BBC Tiếng Việt

6 tháng 12 2022

 

Vào năm 2020, Mỹ đã phê duyệt gói nâng cấp tên lửa đất đối không Patriot trị giá 620 triệu USD cho Đài Loan, một động thái nhằm đối phó với mối đe dọa đang gia tăng từ Trung Quốc
 

Theo một thông báo từ Bộ Ngoại giao Mỹ mà Bloomberg có được, Washington có đề xuất bán cho Đài Loan 100 tên lửa đất đối không, tầm xa Patriot cao cấp nhất, cùng radar và các hệ thống hỗ trợ trong một thỏa thuận trị giá 882 triệu USD.

Đề xuất mới được thực hiện dựa theo thỏa thuận buôn bán vũ khí của Mỹ cho Đài Loan vào năm 2010, với tổng giá trị có thể lên đến 2,81 tỷ USD 

Theo Bloomberg, thì đề xuất mới từ Mỹ gồm bán 100 tên lửa Patriot Pac-3 "Missile Segment Enhancement" do tập đoàn Lockheed Martin sản xuất. Các loại tên lửa này thì cao cấp hơn loại tên lửa Patriot trước đó gửi đến Đài Loan.

Ngoài ra, đề xuất này cũng bao gồm bộ thiết bị hiệu chỉnh M903 Launcher, các missile round trainer, và nâng cấp phần mềm cho những tên lửa mới, Bloomberg tường thuật.

Vào năm 2020, Mỹ đã phê duyệt gói nâng cấp tên lửa đất đối không Patriot trị giá 620 triệu USD cho Đài Loan, một động thái nhằm đối phó với mối đe dọa đang gia tăng từ Trung Quốc.

Hiện Bộ Ngoại giao Mỹ chưa lập tức phản hồi bình luận về điều này. Đề xuất này, về mặt nguyên tắc sẽ được Quốc hội Mỹ xem xét trong thời gian lên đến 30 ngày.

Theo trang Army Technology, thì Patriot Pac-3 có một motor rocket uy lực và phần sườn lớn hơn, giúp tăng sức đẩy cùng khả năng di chuyển "nhằm vào các tên lửa đạn đạo và hành trình nhanh và phức tạp hơn."

Patriot đã được Mỹ và các quốc gia đồng minh sử dụng gồm Đức, Hy Lạp, Israel, Nhật Bản, Kuwait, Hà Lan, Saudi Arabia, Hàn Quốc, Ba Lan, Thụy Điển, Qatar, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, Romania, Tây Ban Nha và Đài Loan, theo Army Technology.

Tên lửa Patriot advanced capability (Patriot Pac-3) lần đầu được Mỹ sử dụng là trong cuộc chiến tranh Iraq vào năm 2003.

 

Vào tháng Chín, Mỹ đã chấp thuận bán gói vũ khí trị giá 1,1 tỷ USD cho Đài Loan, khiến Trung Quốc tức giận

Các tổng thống Mỹ đã phê duyệt hơn 20 tỷ USD bán vũ khí cho Đài Loan kể từ năm 2017 khi Trung Quốc gia tăng áp lực quân sự lên hòn đảo dân chủ Đài Loan.

Vào tháng Chín, Mỹ đã chấp thuận bán gói vũ khí trị giá 1,1 tỷ USD cho Đài Loan, khiến Trung Quốc tức giận. Gói này bao gồm một hệ thống radar cảnh báo trị giá 655 triệu USD và 355 triệu USD cho 60 tên lửa đối hạm Harpoon, có khả năng đánh chìm tàu trên biển.

Động thái này diễn ra sau khi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi vào tháng Tám đã trở thành quan chức Mỹ cấp cao nhất trong vòng 25 năm của Mỹ đến thăm Đài Bắc.

Khi đó, bà Nancy Pelosi tuyên bố Trung Quốc không thể "ngăn chặn bất kỳ lãnh đạo quốc gia nào hoặc bất kỳ ai đi đến Đài Loan".

Mới đây nhất, ngày 29/11, các thành viên Ủy ban Đối ngoại Anh Quốc đã có cuộc gặp với những quan chức cấp cao của Đài Loan, bao gồm Bộ trưởng Ngoại giao, Joseph Wu.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Anh nói chuyến đi đến "vùng Đài Loan của Trung Quốc" đã diễn ra bất chấp "sự phản đối mạnh mẽ" từ Bắc Kinh.

"Đây là sự vi phạm rõ ràng về nguyên tắc 'Một Trung Hoa' và là một sự can thiệp thô thiển vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc", người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Anh nói.

Trước đó hồi đầu tuần rồi, Thủ tướng Anh, Rishi Sunak tuyên bố là điều gọi là "kỷ nguyên vàng" trong mối quan hệ với Trung Quốc đã kết thúc.

"Chúng ta thừa nhận Trung Quốc đã tạo một thách thức mang tính hệ thống đến các giá trị và lợi ích của mình, một thách thức ngày càng trở nên nghiêm trọng khi [Trung Quốc] tiến đến một chủ nghĩa mang tính chuyên chế lớn hơn," ông Sunak nói.

 

Binh sĩ Đài Loan trong cuộc tập trận vào tháng 07/2022

Tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lặp lại cam kết thống nhất Trung Quốc và Đài Loan, ưu tiên giải pháp hòa bình nhưng có thể bằng vũ lực nếu cần thiết.

Bắc Kinh coi Đài Loan là một tỉnh ly khai, rốt cuộc sẽ cần phải trở lại là một phần của Trung Quốc. Tuy nhiên, Đài Loan coi mình là một quốc gia độc lập, có hiến pháp riêng và có các nhà lãnh đạo được bầu cử dân chủ.

Nhận định về khả năng Trung Quốc có xâm lược Đài Loan hay không, Tiến sĩ Oriana Skylar Mastro từ Đại học Stanford bình luận với BBC News Tiếng Việt:

"Tổng thống Biden tại Bali (Indonesia) nói là ông không cho rằng có khả năng tiềm tàng Trung Quốc xâm lược Đài Loan. Tôi nghĩ đây thật sự là một cách [Washington] tận dụng một kẽ hở để tạo dựng mối quan hệ mang tính tích cực với Bắc Kinh."

"Tôi nghĩ chúng ta có thể chứng kiến Trung Quốc gia tăng áp lực lên Đài Loan thông qua sử dụng các công cụ quân sự trong vòng hai năm tới thay vì xâm lược như tập trận quân sự, tiến hành phong tỏa hay ngăn chặn trong một hay hai tuần chẳng hạn."

Trong nhiều kịch bản về Đài Loan, thì một phân tích trên trang Asia Times ngày hôm nay 06/12 trích dẫn lời một số chuyên gia cho thấy Mỹ có thể cân nhắc đến chiến lược 'tiêu thổ' (scorched-earth strategy) trong vấn đề Đài Loan.

Cụ thể Asia Times trích lại một nghiên cứu mang tên 'Broken Nest: Deterring China from Invading Taiwan' được công bố vào tháng 11/2021 của hai giáo sư Jared M. McKinney và Peter Harris từ Army War College cho thấy "Mỹ và Đài Loan nên đề ra các kế hoạch cho một chiến lược tiêu thổ có mục tiêu khiến Đài Loan không còn hấp dẫn nếu bị thâu tóm bằng vũ lực, nhưng chắc chắn tốn kém để duy trì."

Bài nghiên cứu đưa ra đề xuất "chiến lược này có thể được thực hiện hiệu quả nhất bằng cách đe dọa các cơ sở hạ tầng của Taiwan Semiconductor Manufacturing Company, công ty sản xuất chip của Đài Loan, giữ vai trò hàng đầu của thế giới và là nhà cung cấp chip quan trọng nhất của Trung Quốc."

Trong khi đó, theo một phân tích từ nhà nghiên cứu Ryan Hass từ Đại học Yale, đăng tải trên Brookings Institution ngày 29/11 thì Trung Quốc sẽ học những lỗi mà Nga mắc phải trong cuộc chiến Ukraine.

"Họ [Trung Quốc] sẽ học từ những lỗi của Nga trong cuộc chiến Ukraine về những điểm dễ tổn thương mà họ phải giải quyết đối với lực lượng của chính mình. Họ sẽ tìm cách phá vỡ sự thống nhất của Liên minh châu Âu về chính sách Đài Loan bằng việc hạn chế sự tham gia của châu Âu trong các vấn đề xuyên eo biển Đài Loan. Họ sẽ sử dụng những đe dọa và động lực để giữ các quốc gia khác như Hàn Quốc, Philippines và Ấn Độ đứng bên lề."

 

 

 

© 2001 by Tổng Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Việt Nam. All Rights Reserved.Chính Việt xin đón nhận mọi ý kiến xây dựng và bài vở, xin email về baochinhviet@gmail.com

Search