Thời Sự

Mỹ truy tố 7 nghi can điều hành mạng lưới mua sắm cho quân đội Nga

Mỹ truy tố 7 nghi can điều hành mạng lưới mua sắm cho quân đội Nga

Các công tố viên Hoa Kỳ truy tố năm người Nga và hai công dân Mỹ bị tố giác thu thập bất hợp pháp các công nghệ và đạn dược nhạy cảm của Hoa Kỳ cho quân đội Nga.

Bảy bị cáo có liên kết với hai công ty bán sỉ máy móc và thiết bị có trụ sở tại Moscow, hoạt động dưới sự chỉ đạo của Cơ quan An ninh Liên bang Nga, hay FSB, cơ quan kế thừa KGB của Liên Xô, theo bản cáo trạng hôm 5/12 được công bố ngày 13/12.

Hai công ty, Serniya Engineering và Sertal cùng với một số người khác được coi là “công cụ cho cỗ máy chiến tranh của Liên bang Nga” đã bị Bộ Ngân khố và Bộ Thương mại Hoa Kỳ trừng phạt sau cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine từ ngày 24/2 năm nay.

Bản cáo trạng cho biết Serniya đứng đầu một “mạng lưới mua sắm bất hợp pháp”, trốn tránh các chế tài của Mỹ và phương Tây “để có được các công nghệ quân sự nhạy cảm và công dụng kép, bao gồm cả chất bán dẫn tiên tiến, cho quân đội Nga, khu vực quốc phòng và các tổ chức nghiên cứu”.

Theo cáo trạng, cái gọi là “mạng lưới Serniya” đã hoạt động ít nhất là từ năm 2017, với một bị cáo bị cáo buộc đã cố gắng chuyển lậu vào Nga vào đầu tháng trước hàng nghìn viên đạn được sử dụng trong súng bắn tỉa.

Để che giấu sự tham gia của chính phủ Nga và danh tính thực sự của người sử dụng cuối cùng, Serniya và Sertal đã điều hành một mạng lưới rộng lớn gồm các công ty vỏ bọc và tài khoản ngân hàng trên khắp thế giới, trong đó Estonia, Phần Lan, Đức và Hong Kong đóng vai trò là các nơi trung chuyển chính của mạng lưới, theo bản cáo trạng.

Bản cáo trạng được đưa ra khi Hoa Kỳ và các đồng minh đang tìm cách ngăn chặn Nga tiếp cận tài chính và công nghệ phương Tây bằng cách thực thi các biện pháp trừng phạt sâu rộng và kiểm soát xuất khẩu.

“Bộ Tư pháp và các đối tác quốc tế của chúng tôi sẽ không dung thứ cho các kế hoạch tội phạm nhằm hỗ trợ các nỗ lực chiến tranh của quân đội Nga,” Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ Merrick Garland cho biết trong một tuyên bố. “Với ba trong số các bị cáo hiện đang bị giam giữ, chúng tôi đã phá vỡ mạng lưới mua sắm được cho là do các bị cáo và cơ quan tình báo Nga sử dụng để chuyển lậu đạn súng trường bắn tỉa và các linh kiện điện tử nhạy cảm vào Nga.”

Hai bị cáo Mỹ, Alexey Brayman ở New Hampshire và Vadim Yermolenko ở New Jersey, đã bị bắt giam hôm 13/12.

Bộ Tư pháp cho biết Vadim Konoshchenok, một sĩ quan FSB đang hoạt động tích cực sống ở Estonia, đã bị chính quyền Estonia bắt giữ vào tuần trước theo yêu cầu của Hoa Kỳ và đang chờ dẫn độ.

Vào tháng 10 và tháng 11, Konoshchenok đã bị chặn lại ở biên giới Estonia-Nga khi chở hàng nghìn viên đạn do Mỹ sản xuất.

Bốn bị cáo người Nga khác – được xác định là Yevgeniy Grinin, Aleksey Ippolitov, Boris Livshits và Svetlana Skvortsova – vẫn tại đào.

Giám đốc FBI Christopher Wray cho biết trong một tuyên bố: “Công việc của FBI, cùng với các đối tác của chúng tôi nhằm xác định và ngăn chặn việc chuyển giao bất hợp pháp vũ khí và công nghệ lưỡng dụng sang Nga cho thấy chúng tôi có thể và sẽ vươn ra khắp thế giới để giữ an toàn cho người Mỹ”. “Các ngành công nghiệp mà những vụ chuyển giao bất hợp pháp này có thể hỗ trợ - điện toán lượng tử, vũ khí siêu thanh - đề ra hiểm họa lớn trong tay đối thủ của chúng ta.”

Không rõ liệu cuộc điều tra có trước khi Nga xâm lược Ukraine hay không, nhưng Bộ Tư pháp cho biết cuộc điều tra được điều phối bởi Lực lượng Đặc nhiệm KleptoCapture, một sáng kiến thực thi pháp luật liên cơ quan được đưa ra sau cuộc xâm lược của Nga.

Ông Andrew Adams, giám đốc Lực lượng Đặc nhiệm KleptoCapture, nói trong một tuyên bố: “Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì tốc độ ổn định của các vụ ngăn chặn, truy tố và bắt giữ trong khi Điện Kremlin đang mua sắm phụ tùng thay thế ở Triều Tiên.”

Trong một cuộc phỏng vấn với VOA tuần trước, ông Adams cho biết lực lượng đặc nhiệm đang dẫn đầu hàng chục cuộc điều tra, một số cuộc điều tra có trước khi xảy ra cuộc xung đột Ukraine hiện nay.

Theo bản cáo trạng gồm 16 tội danh, Ippolitov, quốc tịch Nga, từng là người liên lạc giữa hai công ty có trụ sở tại Moscow và các lĩnh vực công nghệ và quốc phòng của nước này.

Theo bản cáo trạng, Grinin và Skvortsova, hai công dân Mỹ bị cáo buộc đã tạo điều kiện dễ dàng cho việc xuất khẩu các món hàng công dụng kép từ Mỹ, trong đó ông Brayman sử dụng nơi cư trú ở New Hampshire làm “điểm trung chuyển” để đóng gói lại và vận chuyển các công nghệ bị cấm đến các địa điểm ở Châu Âu và Châu Á để từ đó được chuyển đến Nga, vẫn theo cáo trạng. Brayman bị cáo buộc đã thực hiện ít nhất bốn chuyến hàng thiết bị kiểm tra điện tử nhạy cảm và các mặt hàng lưỡng dụng khác sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.

Ông Konoshchenok, sống ở Estonia, bị cáo buộc đã vận chuyển hoặc chuyển lậu các thiết bị điện tử lưỡng dụng có nguồn gốc từ Hoa Kỳ, đạn dược chiến thuật cấp quân sự và các mặt hàng bị kiểm soát xuất khẩu khác từ quốc gia vùng Baltic sang Nga.

Vào tháng 10, Konoshchenok đã bị chặn lại ở biên giới Estonia với 35 loại bán dẫn và các bộ phận điện tử khác cũng như hàng ngàn viên đạn 6,5 mm do Mỹ chế tạo dùng trong súng bắn tỉa, theo cáo trạng.

Vào cuối tháng 11, anh ta lại bị chặn ở biên giới Nga-Estonia với khoảng 20 thùng chứa hàng ngàn viên đạn có xuất xứ từ Mỹ, bao gồm cả đạn chiến thuật và đạn bắn tỉa quân dụng .338, theo cáo trạng.

Các bị cáo phải đối mặt với cáo buộc âm mưu lừa gạt Hoa Kỳ liên quan đến việc thực thi các biện pháp kiểm soát xuất khẩu và trừng phạt kinh tế; âm mưu vi phạm Đạo luật Cải cách Kiểm soát Xuất khẩu (ECRA); buôn lậu; và không tuân thủ Hệ thống xuất khẩu tự động liên quan đến việc vận chuyển đồ điện tử.

Nếu bị kết tội lừa đảo ngân hàng hoặc âm mưu lừa đảo ngân hàng, các bị cáo phải đối mặt với mức án tối đa là 30 năm tù.

 

 

© 2001 by Tổng Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Việt Nam. All Rights Reserved.Chính Việt xin đón nhận mọi ý kiến xây dựng và bài vở, xin email về baochinhviet@gmail.com

Search