Thời Sự

Thượng đỉnh Trung - Nhật - Hàn: Tái khởi động các đàm phán quan trọng

28/5/2024

   BBC News

Cuộc họp được xem là một bước tiến đối với quan hệ ba nước Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản - vốn được đánh giá là phức tạp - xen lẫn giữa sự ngờ vực, cay đắng lẫn những hợp tác mang tính xây dựng

Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc vừa có hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên sau hơn bốn năm, hôm 27/5.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường ca ngợi điều mà ông gọi là tái khởi động quan hệ với Nhật Bản và Hàn Quốc.

Ba bên đã có cuộc đàm phán đầu tiên sau bốn năm, nhất trí khôi phục các cuộc đối thoại xung quanh các vấn đề thương mại và an ninh vốn đã bị trì trệ do căng thẳng trên toàn cầu, theo Reuters.

Hội nghị diễn ra ở Seoul (Hàn Quốc) với sự tham dự của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida.

Ba nhà lãnh đạo này đều không tham dự hội nghị thượng đỉnh lần gần nhất giữa ba nước vào năm 2019.

Trước khi hội nghị diễn ra, ông Kang Jun-young, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Khu vực (Hàn Quốc) đánh giá rằng việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vắng mặt đồng nghĩa với việc các vấn đề về quân sự, ngoại giao và an ninh sẽ bị loại khỏi chương trình nghị sự.

Mở đầu hội nghị, Thủ tướng Lý Cường tuyên bố sự kiện lần này “vừa là sự khởi động lại vừa là một khởi đầu mới” và kêu gọi khôi phục hợp tác toàn diện giữa ba cường quốc kinh tế ở khu vực Đông Á.

Tuy nhiên, để đạt được điều này, ông Lý Cường nói rằng cần phải tách biệt rõ các vấn đề chính trị, kinh tế và thương mại.

“Mối quan hệ chặt chẽ giữa Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ không thay đổi, tinh thần hợp tác đạt được thông qua việc ứng phó với khủng hoảng sẽ không thay đổi, sứ mệnh bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực sẽ không thay đổi,” ông Lý tuyên bố.

Theo Giáo sư Leif-Eric Easley từ Đại học Ewha (Hàn Quốc), hội nghị lần này “nhằm giảm bớt xung đột hơn là định hình lại quan hệ địa chính trị."

Trung Quốc cùng Hàn Quốc và Nhật Bản, hai nước đồng minh của Mỹ, đang cố gắng giải quyết sự nghi kỵ lẫn nhau trong bối cảnh cạnh tranh giữa Bắc Kinh và Washington, căng thẳng về vấn đề Đài Loan - hòn đảo tự trị dân chủ mà Trung Quốc tuyên bố là của mình - và chương trình hạt nhân Bắc Hàn.

Tăng cường hợp tác

Trong tuyên bố chung được đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh, ba nhà lãnh đạo đã nhất trí “thể chế hóa” hợp tác ba bên thông qua việc thường xuyên tổ chức các hội nghị thượng đỉnh ba nước và các cuộc họp cấp bộ trưởng, theo NikkeiAsia.

Nhật Bản đã được xác định là quốc gia sẽ chủ trì hội nghị thượng đỉnh tiếp theo.

Ba nước cũng nhất trí tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực, bao gồm y tế, thương mại, biến đổi khí hậu và hòa bình quốc tế.

Tổng thống Yoon và Thủ tướng Kishida đã kêu gọi Bắc Hàn không thực hiện kế hoạch phóng tên lửa gắn vệ tinh vũ trụ, mà hai ông cho rằng có sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo bị cấm theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Bắc Hàn đã phớt lờ những lời kêu gọi đó và cố gắng phóng một vệ tinh vào thứ Hai (27/5), nhưng tuyên bố rằng vụ phóng thất bại khi một động cơ tên lửa mới phát triển nổ tung trong quá trình bay.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường kêu gọi tất cả các bên hạn chế và ngăn chặn việc phức tạp hóa thêm tình hình trên bán đảo Triều Tiên, nhưng không đề cập đến vấn đề vệ tinh.

Trung Quốc là đồng minh quân sự duy nhất của Bắc Hàn, đối tác thương mại lớn nhất của nước này.

Trung Quốc và Nga đã kêu gọi 'nhẹ tay' khi áp dụng lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc lên Bắc Hàn.

Bắc Hàn lên án Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản vì cam kết của ba nước về việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Bắc Hàn nói tuyên bố chung của ba nước này là "một hành động khiêu khích chính trị nghiêm trọng" vi phạm chủ quyền của nước này.

Quan hệ thương mại

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tới Trung Quốc vào tháng 4/2024 với một thông điệp cứng rắn: Quý vị đang sản xuất mọi thứ quá nhiều, đặc biệt là hàng hóa năng lượng sạch, khiến thế giới không thể tiếp nhận hết.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tới Trung Quốc vào tháng 4/2024 với một thông điệp cứng rắn: Quý vị đang sản xuất mọi thứ quá nhiều, đặc biệt là hàng hóa năng lượng sạch, khiến thế giới không thể tiếp nhận hết.

Quan hệ thương mại ba nước ngày càng trở nên căng thẳng sau khi Mỹ kêu gọi các nước đồng minh (trong đó có Nhật Bản và Hàn Quốc) dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc, đặc biệt là các sản phẩm then chốt như chất bán dẫn.

Tuy không đi vào chi tiết, Tổng thống Yoon cho biết các nhà lãnh đạo đã nhất trí xây dựng một môi trường thương mại và chuỗi cung ứng minh bạch và ổn định.

Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo cũng tham dự một diễn đàn quy tụ nhiều giám đốc của các doanh nghiệp lớn từ ba nước.

Tại đây, các giám đốc doanh nghiệp cho biết rằng dù tiềm năng hợp tác chưa được phát huy tối đa do các vấn đề toàn cầu, các ngành công nghiệp đã thống nhất sẽ cùng nhau hỗ trợ phát triển thương mại và ổn định chuỗi cung ứng.

Theo Giáo sư Easley, mối quan hệ giữa ba nước sẽ tiến xa hơn nữa nếu Trung Quốc cải thiện môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp nước ngoài, cũng như mở rộng quyền tiếp cận cho các nhà ngoại giao của Hàn Quốc và Nhật Bản ở Bắc Kinh.

Theo một bài viết ngày 27/5 trên NikkeiAsia, bản dự thảo tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo nêu rõ ba nước “sẽ tổ chức các cuộc thảo luận nhằm đẩy nhanh việc đàm phán để hướng tới một Hiệp định thương mại tự do (FTA) có lợi cho tất cả các bên."

Ba nước từng tuyên bố bắt đầu các cuộc đàm phán FTA vào năm 2012, nhưng đã dừng lại sau vòng thứ 16 vào năm 2019. Tuy nhiên, do nền kinh tế suy yếu, Trung Quốc đã kêu gọi khởi động lại các cuộc đàm phán.

Khả năng khởi động lại các cuộc đàm phán FTA diễn ra trong bối cảnh các nước phương Tây bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc sản xuất quá mức xe điện và tấm pin mặt trời, được cho là do sự trợ cấp quá mức.

Việc này đã dẫn đến mâu thuẫn giữa Trung Quốc với Nhật Bản, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).

Việc Trung Quốc xuất khẩu các sản phẩm giá rẻ được cho là gây ra bất ổn thị trường toàn cầu.

 

 

© 2001 by Tổng Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Việt Nam. All Rights Reserved.Chính Việt xin đón nhận mọi ý kiến xây dựng và bài vở, xin email về baochinhviet@gmail.com

Search