28/5/2024
BBC News
Cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu sẽ diễn ra từ ngày 6-9/6 tới. Ảnh (từ trái sang phải): Bà Marine Le Pen, nhà sáng lập Đảng Tập hợp quốc gia của Pháp, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Thủ tướng Ý Giorgia Meloni.
Các đảng cực hữu đang thắng thế ở nhiều nơi tại châu Âu và Thủ tướng Ý Giorgia Meloni nhìn thấy được thời khắc lớn đang tới gần.
"Chúng ta đang đứng trước một cuộc bầu cử mang tính quyết định," nhà lãnh đạo của Đảng Anh em Ý (Brothers of Italy) phát biểu qua video trong sự kiện chật kín người tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha.
Bà Marine Le Pen từ Đảng Tập hợp Quốc gia (National Rally) của Pháp ngồi ở hàng đầu, cùng với ông Santiago Abascal, lãnh đạo Đảng Vox của Tây Ban Nha.
"Chúng ta là cỗ máy cho tiến trình phục hưng lục địa," Thủ tướng Ý tuyên bố, trước khi những người tham dự đồng loạt đứng lên vỗ tay tán dương.
Các đảng cực hữu đã giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử tại Ý và Hà Lan, dẫn đầu cuộc bỏ phiếu tại Pháp, Áo và Bỉ và giành được ghế trong chính phủ Phần Lan và Slovakia.
Hiện các đảng cực hữu đã đảm bảo hơn tỷ lệ 3/10 số phiếu bầu khi 27 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) tiến hành bầu cử nghị viện từ ngày 6-9/6 và các đảng này đã trở thành lực lượng hùng mạnh nhất trong Nghị viện châu Âu.
Cuộc đấu đá nội bộ đang đe dọa tước đi ánh hào quang về sự trỗi dậy của phái cực hữu sau hàng loạt các vụ bên bối liên quan đến Đảng AfD của Đức.
Đây là lý do tại sao các đồng minh của Đảng AfD trong EU đã khiến đảng này của nước Đức bị gạt ra khỏi nhóm chính trị Danh tính và Dân chủ (ID) cực hữu trong Nghị viện châu Âu.
Các đồng minh của AfD không muốn có sự dính dáng nào tới một đảng có ứng viên hàng đầu là ông Maximilian Krah, người đã đưa ra những quan điểm có vấn đề về đội quân Waffen SS khét tiếng của nhà độc tài phát xít Adolf Hitler và nhân vật số hai của đảng đang đối mặt với những cáo buộc nhận tiền từ Tổng thống Nga Vladimir Putin, điều mà người đàn ông này đã lên tiếng bác bỏ.
Bà Marine Le Pen không muốn dây dưa vào mối quan hệ ấy. Trong nhiều năm qua, bà này đã tìm cách để gột rửa đảng của bà thoát khỏi những quan điểm cực đoan của cha mình, nhà sáng lập đảng tiền thân của Đảng Tập hợp quốc gia và đã bị kết tội coi thường nạn diệt chủng người Do Thái Holocaust.
Đảng Tập hợp Quốc gia của bà Marine Le Pen hiện do ông Jordan Bardella giữ chức chủ tịch. Ông Jordan đang là ứng viên hàng đầu cho cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu.
Đảng của bà Marine Le Pen hiện đang có tỷ lệ ủng hộ khoảng 30% và bà là một trong những ứng viên sáng giá để trở thành tổng thống Pháp tiếp theo vào năm 2027.
Câu chuyện thành công lớn nhất của phe cực hữu tại châu Âu là bà Giorgia Meloni cũng mang những hy vọng to lớn. Tham vọng của bà là tạo nên một lực lượng cánh hữu có thể nắm quyền lực tại Brussels (một trong những nơi hội họp chính của Nghị viện châu Âu).
"Sẽ có thêm nhiều chính trị gia [trong Nghị viện châu Âu] hơn và những người này sẽ nắm vai trò chính thống hoặc sự hiện diện của họ dần trở nên bình thường," bà Sabine Volk, một nhà quan sát về cực hữu từ Đại học Passau ở Đức, đánh giá.
Nếu nhóm trong EU của bà Giorgia Meloni mang tên Các nhà bảo thủ và cải cách châu Âu (ECR) đạt kết quả tốt trong các cuộc bầu cử, có khả năng họ có thể tìm thấy điểm chung với phe trung hữu của Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen.
Đảng Nhân dân châu Âu (European People's Party) của bà Ursula von der Leyen cuối cùng có thể sẽ trở thành nhóm lớn nhất và bà đã để ngỏ khả năng liên minh với ECR miễn là họ ủng hộ châu Âu, ủng hộ Ukraine và ủng hộ pháp quyền.
ECR không chỉ bao gồm Đảng Anh em Ý (Brothers of Italy), mà còn đảng đối lập dân túy cánh hữu của Ba Lan là Đảng Luật pháp và Công lý (Law and Justice), Đảng Vox của Tây Ban Nha, Đảng Người Phần Lan (Finns Party) của bà Riikka Purra - tham gia chính phủ Phần Lan - và Đảng Dân chủ Thụy Điển (Sweden Democrats) của nhà lãnh đạo Jimmy Akesson, người làm việc với chính phủ Thụy Điển nhưng không thuộc chính phủ.