(Từ trái sang) Thủ tướng Úc Anthony Albanese, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) và (trái) tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Bộ Tứ (Quad) tại Kantei ở Tokyo ngày 24/5/2022.
Các nhà lãnh đạo của Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ sẽ công bố kế hoạch cho các sáng kiến an ninh mới ở Ấn Độ Dương, khi Tổng thống Hoa Kỳ sắp mãn nhiệm Joe Biden tiếp đón những người đồng cấp từ nhóm Bộ Tứ (Quad), vốn được thành lập do những lo ngại chung về Trung Quốc.
Biden sẽ chào đón Thủ tướng Úc Anthony Albanese, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida trong một cuộc họp bốn bên gần thành phố quê hương Wilmington của ông vào ngày 21/9 để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì Bộ Tứ, mà ông coi là một thành tựu chính sách đối ngoại đặc trưng, trước khi ông rời nhiệm sở sau cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vào ngày 5/11.
Các quan chức cấp cao của chính quyền Biden nói với các phóng viên rằng các nhà lãnh đạo sẽ công bố kế hoạch mở rộng Quan hệ đối tác Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương về Nhận thức trong Lĩnh vực Hàng hải, vốn được đưa ra cách đây hai năm để bao gồm khu vực Ấn Độ Dương.
Các nhà lãnh đạo sẽ công bố một kế hoạch cho các hoạt động chung của lực lượng bảo vệ bờ biển, trong đó các quân nhân từ Úc, Nhật Bản và Ấn Độ sẽ dành thời gian trên một tàu bảo vệ bờ biển Hoa Kỳ. Theo các quan chức cho biết, các nước cũng sẽ công bố kế hoạch tăng cường hợp tác hậu cần quân sự.
Họ cho biết các nhà lãnh đạo sẽ đẩy mạnh công tác cung cấp các công nghệ quan trọng và an ninh, bao gồm mạng lưới truy cập vô tuyến mở mới, cho các đảo Thái Bình Dương và Đông Nam Á, những khu vực cạnh tranh gay gắt với Trung Quốc, đối thủ chiến lược chính của Washington.
Vẫn theo các quan chức, một sáng kiến về y tế sẽ làm nổi bật sự hợp tác trong cuộc chiến chống ung thư cổ tử cung.
Các nhà phân tích nói rằng những kết quả dự kiến chủ yếu sẽ dựa trên công việc đã được thực hiện trong nhóm Bộ Tứ, mà ông Biden đã nâng lên cấp hội nghị thượng đỉnh vào năm 2021. Cuộc họp vào ngày 21/9 sẽ là cuộc họp thứ sáu của các lãnh đạo nhóm đối thoại an ninh 4 quốc gia này.
Theo các nhà phân tích, các sáng kiến an ninh hàng hải mới vào thời điểm Trung Quốc đang tăng cường gây sức ép lên các đối thủ tranh chấp lãnh thổ của mình ở Biển Đông và Biển Hoa Đông sẽ gửi một thông điệp tới Bắc Kinh.
Họ nói rằng sáng kiến này cũng sẽ đại diện cho sự chuyển hướng trọng tâm hơn nữa của các hoạt động của Bộ Tứ sang các vấn đề an ninh, phản ánh mối lo ngại ngày càng tăng về ý định của Trung Quốc.
Lisa Curtis, chuyên gia chính sách châu Á tại Trung tâm An ninh Hoa Kỳ Mới, người trước đây từng làm việc tại Nhà Trắng, CIA và Bộ Ngoại giao, cho biết Ấn Độ, quốc gia không tham gia bất kỳ liên minh quân sự nào, đã lo ngại về quan niệm rằng Bộ Tứ có thể quân sự hóa Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
"Nhưng tôi nghĩ rằng hành động xâm lược trên biển gần đây của Trung Quốc có thể thay đổi phương trình đối với Ấn Độ và có thể thúc đẩy Ấn Độ cởi mở hơn một chút với ý tưởng hợp tác an ninh Bộ Tứ", bà nói.
Theo các nhà phân tích và quan chức, việc ông Biden tổ chức họp Bộ Tứ tại Mỹ là một phần trong nỗ lực thể chế hóa nhóm này trước khi ông rời nhiệm sở và ông Kishida, người sẽ từ chức sau cuộc tranh cử lãnh đạo vào tuần tới cũng như cuộc bầu cử ở Úc vào năm tới.
"Chúng tôi kỳ vọng hội nghị thượng đỉnh Bộ Tứ này... sẽ chứng minh rằng các đối tác của Bộ Tứ có sự liên kết chiến lược hơn bao giờ hết, rằng họ vẫn cam kết dành nguồn lực thực sự cho nỗ lực này để cung cấp hàng hóa công cho Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và quan trọng nhất là Bộ Tứ sẽ tồn tại lâu dài", một quan chức cấp cao của Hoa Kỳ cho biết.
Vị quan chức này lưu ý rằng Bộ Tứ đã họp ở cấp bộ trưởng ngoại giao dưới thời chính quyền trước của Donald Trump, người đang chạy đua chống lại Phó Tổng thống Kamala Harris vào tháng 11, và nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng, thể hiện qua việc thành lập Nhóm nghị sĩ Bộ Tứ trước hội nghị thượng đỉnh.
Thủ tướng Albanese nói với các phóng viên hôm 20/9 rằng Canberra và Washington chia sẻ mối quan ngại về tham vọng an ninh của Trung Quốc tại các quốc gia Quần đảo Thái Bình Dương, nơi Bắc Kinh đang tìm kiếm vai trò cảnh sát ngày càng tăng.
"Chúng tôi sẽ thảo luận về những cách thức mà chúng tôi có thể cung cấp thêm hỗ trợ trong khu vực cho các quốc gia đang phát triển, bao gồm cả hành động mà chúng tôi đang cùng nhau thực hiện về biến đổi khí hậu và hỗ trợ an ninh năng lượng của họ", ông nói.