20/09/2024
BBC News
Khung cảnh trước bệnh viện Đại học Hoa Kỳ ở Beirut (AUBMC) sau vụ máy nhắn tin của các thành viên thuộc tổ chức vũ trang Hezbollah đồng loạt phát nổ vào ngày thứ Ba 17/9
Trên đường phố ở thủ đô Beirut của Lebanon, người dân sử dụng điện thoại di động và các thiết bị khác không mấy thoải mái do lo ngại một cuộc tấn công nữa có thể xảy ra.
Nhưng lại mối đe dọa lớn hơn đang rình rập khu vực này, đó là một cuộc chiến tranh toàn diện xảy ra giữa Israel và tổ chức vũ trang Hezbollah tại Lebanon và quốc gia hậu thuẫn, Iran.
Đã có tới 37 người thiệt mạng và hơn 2.600 người khác bị thương sau khi hàng ngàn máy nhắn tin phát nổ trên khắp Lebanon vào hôm thứ Ba 17/9, sau đó là vụ máy bộ đàm phát nổ vào ngày thứ Tư 18/9, tất cả đều nhằm vào các thành viên của Hezbollah.
Israel bị coi là thế lực đứng đằng sau các vụ tấn công, mặc dù nước này không lên tiếng xác nhận.
Hôm thứ Tư 18/9, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant đã công bố về "một giai đoạn mới trong cuộc chiến tranh".
BBC xem xét các kịch bản có thể xảy ra tại Lebanon.
1. Israel tấn công dồn dập để 'dứt điểm Hezbollah'
Trong bối cảnh lo ngại gia tăng về một cuộc chiến tranh toàn diện có thể bùng phát, Bộ trưởng Y tế Lebanon Firass Abiad nói quốc gia này cần phải chuẩn bị để ứng phó với trường hợp xấu nhất.
"Tôi nghĩ chúng tôi cần phải chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất," ông nói. "Hai cuộc tấn công trong ngày qua cho thấy ý đồ của họ [Israel] là không hướng đến một giải pháp ngoại giao."
"Tôi biết chính phủ [Lebanon] có lập trường rõ ràng. Ngay từ ban đầu, Lebanon không muốn chiến tranh."
Nhà phân tích lão luyện Ehud Yaari chuyên về các vấn đề Ả Rập cho rằng các cuộc tấn công vừa qua đã tạo "một cơ hội hiếm có" để Israel hành động quyết liệt nhằm vào Hezbollah cùng kho tên lửa dẫn đường chính xác khổng lồ của tổ chức này.
Hệ thống liên lạc của Hezbollah không còn hoạt động và nhiều chỉ huy trên chiến trường đã bị thương, một số bị thương nặng.
"Tình hình hiện tại sẽ không sớm lặp lại nữa," ông Yaari viết cho trang web N12 của Israel.
"Đơn giản là Hezbollah hiện đang ở trong tình trạng tệ nhất kể từ khi cuộc chiến tranh lần hai ở Lebanon vào năm 2006 chấm dứt."
Phóng viên về quốc phòng của BBC, Paul Adams, nói trọng tâm quân sự của Israel hiện nay đã chuyển sang miền bắc, ngay cả khi cuộc chiến tranh Gaza vẫn tiếp diễn, vẫn chưa rõ Israel có kế hoạch tận dụng cơ hội hiếm có này như thế nào và liệu một cuộc xung đột quy mô rộng lớn hơn có thể xảy đến hay không.
2. Hezbollah có thể tấn công Israel, Israel có thể đổ bộ vào Lebanon
Giáo sĩ Hassan Nasrallah, thủ lĩnh Hezbollah, đã có phản ứng về các vụ tấn công hôm thứ Năm 19/9, nói Israel đã vượt "mọi giới hạn, quy luật và lằn ranh đỏ".
Ông cho rằng đây là cuộc tấn công chưa từng có nhằm vào tổ chức vũ trang này, nhưng khả năng ban chỉ huy và hệ thống liên lạc của Hezbollah vẫn không hề hấn gì. Giáo sĩ này cho biết thêm rằng một cuộc điều tra về loạt tấn công đã được khởi động.
"Có thể gọi đây là tội ác chiến tranh hoặc lời tuyên chiến - dù gọi là gì đi chăng nữa, thì hai từ trên là xác đáng. Đây chính là ý đồ của kẻ thù," ông tuyên bố.
Lãnh đạo Hezbollah thề sẽ trừng phạt đích đáng, nhưng cũng không có bất ngờ khi ông không nêu rõ cuộc trả đũa sẽ như thế nào.
Các cuộc tấn công xuyên biên giới nhằm vào Israel sẽ tiếp tục nếu không có một lệnh ngừng bắn tại Dải Gaza, ông cho biết thêm và nói các cư dân ở miền bắc Israel, những người phải rời bỏ nhà cửa do chiến tranh, sẽ không được phép quay trở về.
Theo ông Amjad Iraqi, nhà nghiên cứu từ chương trình Trung Đông và Bắc Phi của viện nghiên cứu Chatham House (Anh), với các vụ tấn công vừa qua, Israel đã phát đi "những tín hiệu khiêu khích" nhằm vào Hezbollah, có thể làm gia tăng khả năng nổ ra một cuộc xung đột khốc liệt hơn trong khu vực.
"Hezbollah hiện chịu áp lực phải nhanh chóng đưa ra phản ứng quyết liệt và điều này sẽ khiến quân đội Israel có cớ để tiến hành một cuộc xâm nhập trên bộ, theo những gì được đồn đoán," ông Iraqi nói với BBC.
Israel "đã không thành công trong các mục tiêu cốt lõi tại Gaza", ông đánh giá, và điều đó dẫn đến việc chính phủ Israel cảm thấy phải "khẳng định lại khái niệm đánh chặn ở mặt trận miền bắc với Hezbollah".
3. Loạt tấn công có thể làm suy yếu Hezbollah và khiến xung đột khó xảy ra hơn
Phóng viên Nafiseh Kohnavard của BBC tiếng Ba Tư đang ở thủ đô Beirut và đã xem bài phát biểu của Giáo sĩ Hassan Nasrallah.
Bà cho biết loạt tấn công vừa qua có một tác động to lớn - Giáo sĩ Nasrallah nói đây là các cuộc tấn công nghiêm trọng và gọi là một "phép thử to lớn" chưa từng có mà tổ chức này phải đối mặt.
Điều này cho thấy tình hình khó khăn nhường nào đối với Hezbollah, bà nhận định; hầu hết người bị thương đều thuộc nhóm chiến binh trẻ tinh nhuệ. Ngay cả tới hôm nay (19/9), các cuộc giao tranh giữa hai nước vẫn tiếp diễn.
Cuộc tấn công sẽ không ngăn chặn Hezbollah có thêm hành động, nhưng cũng có tác dụng, phóng viên của BBC nói thêm.
Cần phải nhớ rằng Hezbollah có các đồng minh và những đồng minh này luôn nói rằng không chỉ có Hezbollah, mà cả Lebanon, đều là lằn ranh đỏ - các đồng minh này bao gồm Iran, các nhóm bán quân sự dòng Shia ở Iraq và Houthi tại Yemen.
Một thành viên của tổ chức bán quân sự, trong lần trả lời phóng viên BBC gần đây, cho biết nhóm của mình đã đến Lebanon và đang giúp đỡ Hezbollah.
Những nhóm này đã kề vai sát cánh chiến đấu cùng nhau tại Syria trong những năm qua và hiện Hezbollah có thể dựa vào sự trợ giúp của họ.
Vì vậy, dù các cuộc tấn công tại Lebanon tỏ ra hiệu quả, Hezbollah lại nhận được sự trợ giúp sâu rộng trong khu vực, phóng viên của BBC cho biết.
4. Các cuộc tấn công máy nhắn tin tại Lebanon không nằm trong một chiến lược lớn hơn
Một giả thuyết khác là cơ quan tình báo Mossad của Israel đã triển khai sẵn các thiết bị này để có thể dùng tới trong trường hợp xảy ra một cuộc xung đột toàn diện với quốc gia láng giềng Lebanon, theo phóng viên an ninh Gordon Corera của BBC.
Nhưng rồi Hezbollah trở nên ngờ vực các máy nhắn tin này và vì vậy Mossad quyết định rằng "thời khắc đã đến" nên họ đã kích hoạt các vụ nổ máy nhắn tin hôm thứ Ba 17/9 và sau đó là các máy bộ đàm vào hôm thứ Tư 18/9.
Nếu giả thuyết này đúng, thì không rõ liệu có hay không một kế hoạch rộng lớn hơn đằng sau chuyện phát động các cuộc tấn công trên, phóng viên Gordon Corera bổ sung ý kiến.
Nhà nghiên cứu Amjad Iraqi từ viện nghiên cứu Chatham House cho rằng kế hoạch biến máy nhắn tin và máy bộ đàm thành thiết bị phát nổ đã được tiến hành nhiều tháng, nếu không nói hàng năm trời.
Do đó, tại sao đòn tấn công lại được tiến hành vào lúc này đang là chủ đề được nêu trong các giả thuyết trên nhiều kênh báo chí khác nhau.
"Một số thông tin trên báo chí và truyền thông xã hội cho rằng Hezbollah đang đi theo hướng nhận định những thiết bị này có thể đã bị can thiệp theo cách nào đó," ông Iraqi nói.
"Một số khác thì nói đây là một nỗ lực mang tính chiến lược, đồng bộ, trong bối cảnh Israel đang dần giảm quy mô chiến dịch tại Gaza và hiện đang dịch chuyển sang và tăng tốc hướng về Lebanon hơn."