Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức
Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa “không thể nào” trở thành quê hương của Đài Loan được vì Đài Loan có nguồn gốc chính trị lâu đời hơn, Tổng thống Lại Thanh Đức của hòn đảo này nói vào ngày thứ Bảy.
Ông Lại, nhậm chức tổng thống vào tháng 5, bị Bắc Kinh lên án là "kẻ ly khai." Ông bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh, nói rằng hòn đảo này là một quốc gia có tên là Trung Hoa Dân Quốc và có nguồn gốc từ cuộc cách mạng năm 1911 lật đổ triều đại phong kiến cuối cùng.
Chính quyền cộng hòa chạy sang Đài Loan vào năm 1949 sau khi thua trong cuộc nội chiến với phe cộng sản của Mao Trạch Đông, những người lập nên Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, nước vẫn tiếp tục tuyên bố đảo Đài Loan là lãnh thổ "thiêng liêng" của mình.
Phát biểu tại một nhạc hội trước lễ kỉ niệm ngày quốc khánh Đài Loan vào ngày 10 tháng 10, ông Lại lưu ý rằng nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã kỉ niệm 75 năm ngày thành lập vào ngày 1 tháng 10 và vài ngày nữa sẽ tới sinh nhật lần thứ 113 của Trung Hoa Dân Quốc.
"Do đó, xét về thâm niên, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa hoàn toàn không thể nào trở thành quê hương của người dân Trung Hoa Dân Quốc được. Ngược lại, Trung Hoa Dân Quốc có thể là quê hương của người dân Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã trên 75 tuổi," ông Lại nói thêm, giữa tiếng vỗ tay.
"Một trong những ý nghĩa quan trọng nhất của những lễ kỉ niệm này là chúng ta phải nhớ rằng chúng ta là một quốc gia có chủ quyền và độc lập," ông nói.
Văn phòng Sự vụ Đài Loan của Trung Quốc không hồi đáp các cuộc gọi yêu cầu bình luận ngoài giờ làm việc.
Trong bài phát biểu vào ngày trước ngày quốc khánh của đất nước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhắc lại quan điểm của chính phủ rằng Đài Loan là lãnh thổ của mình.
Ông Lại sẽ có bài diễn văn quan trọng của riêng mình vào ngày quốc khánh 10 tháng 10. Trước đây ông từng chỉ trích Bắc Kinh bằng cách viện dẫn lịch sử.
Tháng trước, ông Lại nói nếu yêu sách của Trung Quốc đối với Đài Loan là về sự toàn vẹn lãnh thổ thì họ cũng nên lấy lại đất từ Nga mà triều đại cuối cùng của Trung Quốc đã nhượng vào thế kỷ 19.